Ngày 16/9/2023, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là di sản thiên nhiên thế giới. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Sự ghi nhận của UNESCO không chỉ tiếp tục góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, mà còn tiếp thêm động lực biến “sức mạnh mềm” đó thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và sự phát triển bền vững của đất nước ta.

Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được điền tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Đây là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Trong gần 400 năm (1558 - 1945), Huế là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn (thế kỷ XVI - XVIII) ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII), rồi đến kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn (1802 - 1945). Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, trong các kinh đô cổ của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm...

Quần thể di tích Cố đô Huế chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Qua thời gian, với sự kế thừa những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa kết hợp với tinh hoa văn hóa các triều đại quân chủ đã kết tinh trong lòng Cố đô Huế một kho tàng di sản đồ sộ, trong đó bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017).

Năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và được công nhận lần thứ hai với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000.
Vịnh Hạ Long là quần thể danh lam thắng cảnh nằm phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh rộng 1.553 km vuông bao gồm gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ. Riêng khu vực được UNESCO công nhận là Di sản thế giới rộng 434 km vuông và có tới 775 hòn đảo. Tương truyền, vịnh Hạ Long là nơi Rồng đáp xuống.

Vịnh Hạ Long luôn là điểm đến cuốn hút du khách trong và ngoài nước.

Quần thể đảo ở vịnh Hạ Long có hai dạng chính là đảo đá vôi và đảo phiến thạch. Các đảo tập trung ở hai vùng chính, là vùng phía Đông Nam của vịnh Bái Tử Long và vùng phía Tây Nam của vịnh Hạ Long. Tuy số lượng đảo trên vịnh Hạ Long rất lớn, nhưng không đảo nào giống đảo nào. Nhìn từ xa, các đảo đá ở đây như chồng chất lên nhau tạo thành những địa thế đặc biệt, có chỗ đảo lại xếp dọc ngang xen kẽ nhau, nối nhau đến hàng chục kilomet như một bức tường thành vững chắc. 

Mỗi hòn đảo mang một hình thù khác nhau, tạo thành những màu sắc mới mẻ và đặc trưng mà chỉ có Hạ Long có được. Dựa vào hình dáng này cộng với sự tưởng tượng của con người, các hòn đảo ở đây đã được đặt những cái tên rất gần gũi bình dị như đảo Đầu Người, hòn Trống Mái, hòn Rồng, hòn Ông Sư, hòn Đũa… Bên cạnh đó, một số đảo còn được đặt tên theo các sự tích dân gian như núi Bài Thơ, hang Trinh Nữ, đảo Tuần Châu hay các nét độc đáo trên đảo như hòn Ngọc Vừng, hòn Kiến Vàng, đảo Khỉ…

 

Khu di tích Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là một quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam.

Được khởi công từ thế kỷ IV bởi vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.

Du khách trong và ngoài nước tới tham quan Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn.

Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông - phương Mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông - Tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.

Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Sau bao nhiêu năm thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngày nay Thánh địa Mỹ Sơn vẫn còn là một di tích có giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của nhân loại, nó kết tinh trí tuệ, tài hoa của nhiều thế hệ.

Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1/12/1999.

Phố cổ Hội An là một thành phố du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, nằm trọn trong phường Minh An, thuộc hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển của tỉnh Quảng Nam. Hội An cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam, phía Đông giáp với biển Đông, phía Nam giáp với huyện Duy Xuyên và phía Tây giáp với huyện Điện Bàn.

Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hóa phi vật thể đồ sộ.

Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á, hiếm có trên thế giới, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Hội An vẫn giữ được gần như nguyên trạng với 1.360 di tích.

Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà cổ, những bức tường và cả những con đường. Dù đã trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố nhưng nơi đây vẫn giữ nguyên những nét đẹp cổ xưa, trầm mặc, rêu phong trên từng mái ngói, hàng cây…

Hội An có nhiều khu phố cổ cũng được xây dựng từ thế kỷ XVI và đến nay vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn, từ phố xá, nhà cửa đến đền đài, chùa chiền, giếng cổ… Một trong số đó phải kể đến Chùa Cầu - một công trình độc đáo, một nét kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc Việt. Không chỉ được chọn để in trên tờ tiền 20.000 đồng mà đây được xem như hình ảnh đặc trưng, là tài sản vô giá của Phố Hội.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở phía Bắc dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần hai là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3/7/2015, là một điểm đến phong phú trong các chương trình tour du lịch Quảng Bình.

Hang Sơn Đoòng (nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng) làm choáng ngợp tất cả những ai bước chân vào thám hiểm bởi kích thước khổng lồ và vẻ đẹp quyến rũ của nó.

Phong Nha - Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu, phần lớn diện tích là đá vôi và liên kết khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Namno của Lào tạo thành khối Karst rộng lớn Đông Nam Á. Phong Nha - Kẻ Bàng ngày nay là kết quả phát triển của 5 giai đoạn kiến tạo địa chất, từ kỷ Ordovician (464 triệu năm) đến Đệ Tứ. Điều này được minh chứng qua các phức hệ hóa thạch cổ sinh phong phú và đa dạng đại diện cho tuổi địa tầng khác nhau.
Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha - Kẻ Bàng còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, những hang động như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước.

Khu Phong Nha - Kẻ Bàng có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, nơi tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ và hấp dẫn, là thiên đường cho các nhà khoa học hang động, các nhà thám hiểm và du lịch. Đến nay, 20 hang động với tổng chiều dài trên 70 km đã được Đoàn khảo sát Hoàng gia Anh phối hợp với Khoa Địa lý Đại học Quốc gia Hà Nội khảo sát có hệ thống, kỹ lưỡng và đã được công bố trên Tạp chí Toàn cảnh và Dư luận - số 48, tháng 7/1994, được đánh giá là một trong những cảnh quan đẹp nhất với các đặc trưng: có sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, các bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là hang nước dài nhất...

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000 m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình - Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).

Ngày 31/7/2010, UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.

Thành Nhà Hồ là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá, là một trong rất ít thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới và mang những giá trị nổi bật toàn cầu. Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Vị trí của Thành được lựa chọn theo những nguyên tắc phong thủy trong cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. 

Ngày nay, tòa thành vẫn còn giữ được 4 cổng thành, các cổng thành được xây bằng những khối đá lớn, nhiều khối đá nặng từ 10 đến 26 tấn. Tường thành có chu vi hơn 3,5 km với nhiều đoạn tường thành gần như nguyên vẹn cùng rất nhiều hiện vật lưu dấu nơi từng được coi là kinh đô, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, đồng thời là công trình quân sự phòng thủ lớn nhất của Nhà Hồ.

Thành Nhà Hồ vẫn còn giữ được 4 cổng thành, các cổng thành được xây bằng những khối đá lớn, nhiều khối đá nặng từ 10 đến 26 tấn.

Đến thăm Thành Nhà Hồ, du khách không khỏi kinh ngạc về khối lượng đá khổng lồ, cách thức lắp ghép đá xây nên những tường thành, cổng thành đồ sộ, vững chãi. Càng kinh ngạc, thán phục khi biết rằng, cách đây tới hơn 600 năm mà ngôi thành đá to lớn này được xây dựng xong chỉ trong vòng vẻn vẹn 3 tháng. Giá trị nổi bật của tòa thành là những khối đá nặng hàng chục tấn được ghè đẽo thủ công nhưng đạt đến công năng, hiệu quả sử dụng tối đa, riêng biệt và duy nhất có tại Đông Á những năm cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Đây là kỳ tích“vô tiền khoáng hậu” hiện nay vẫn chưa được khoa học lý giải.

Với những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Hội tụ đầy đủ tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ, địa chất với những giá trị nổi bật toàn cầu, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO công nhận.

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172 ha thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba vùng được bảo vệ liền kề nhau là khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.

Bến đò Tam Cốc nằm trong quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) nhìn từ trên cao.

Tràng An được ví như một “Hạ Long trên cạn” với vẻ đẹp tráng lệ được tạo nên bởi hệ thống núi đá muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn lượn nối liền các hang động và thung lũng hoang sơ. Vẻ hài hòa của đá, sông nước, rừng cây và bầu trời ở Tràng An tạo nên một thế giới tự nhiên sống động đầy quyến rũ. Nơi đây còn là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và các di tích lịch sử văn hóa đặc sắc.
Quần thể danh thắng Tràng An còn bao bọc khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, trong đó có những loài động vật quý hiếm như phượng hoàng đất, sáo, khướu, khỉ, trăn, đặc biệt là loài vượn yếm trắng, một loài có tên trong sách đỏ thế giới.

Đây là di sản thế giới đầu tiên tại Việt Nam trải rộng trên địa bàn của hai địa phương: Vịnh Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh; Quần đảo Cát Bà - thành phố Hải Phòng.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận di sản thế giới, bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với những vách dựng đứng nhô lên trên biển. Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cá Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình; những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.

Vẻ đẹp của vịnh Lan Hạ và Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Đó là hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.

Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh sẽ là tiền đề quan trọng, đóng góp kinh nghiệm, thực tiễn, hướng tới xây dựng mô hình quản lý di sản liên tỉnh, liên biên giới.

Chín di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam:

Bài: Phương Anh - Bảo An (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn

23/09/2023 06:05