Thừa Thiên - Huế vốn là chiếc nôi sản sinh của áo dài ngũ thân, đồng thời là mảnh đất gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển áo dài Việt Nam suốt hàng trăm năm qua. Xuyên suốt thời gian giữ vai trò là kinh đô của đất nước, Cố đô Huế cũng là Kinh đô áo dài Việt Nam, nổi danh bởi “chế độ y quan” rực rỡ - biểu trưng cho một triều đại phương Đông. Chính vì thế, áo dài là bản sắc văn hóa vùng đất, nét đẹp của con người xứ Huế. Cùng với sự đổi thay của lịch sử, áo dài qua từng thời đại đã có không ít sự điều chỉnh. Tuy nhiên, dù điều chỉnh ra sao, áo dài vẫn là quốc phục, niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và là “món ăn tinh thần” thể hiện bản sắc riêng của văn hóa vùng đất Cố đô Huế.
Từ đầu thế kỷ 18, áo dài ngũ thân đã phổ biến ở Đàng Trong. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, ông đã cho quy hoạch và xây dựng lại Đô thành Phú Xuân, xưng vương hiệu và tiến hành cải cách nhiều mặt, trong đó có chế độ y quan với nhiều điểm đổi mới. Áo dài ngũ thân được định chế thành thường phục của toàn dân. Trang phục được cải tiến phần cổ và eo thoải mái, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa tốt đẹp của thường phục này. Năm thân áo bao gồm một thân con bên trong tượng trưng cho bản thân và bốn thân bên ngoài ở trước, sau tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu luôn bao bọc, che chở. Năm cúc áo mang ý nghĩa ngũ thường - những đức tính của một người quân tử cần có là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Áo ngũ thân chủ yếu có hai loại: Áo tay rộng (hay còn gọi là áo Tấc) thường được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng. Áo tay hẹp (hay còn gọi là áo tay chẽn) được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày, khi thực thi công vụ hay nhiều loại hình hoạt động khác.
Từ đó, dân chúng, bất kể giới tính, đều phải dùng kiểu áo ngũ thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống; trên đầu để tóc búi, đội khăn xếp hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất đối với nam và khăn vành đối với nữ. Từ hoàng cung đến các bộ, viện, phủ đường, ty, nha, quân doanh… ai ai cũng mặc như thế để thể hiện sự nghiêm túc, chỉn chu của người thi hành công vụ.
Dưới thời vua Minh Mạng, từ quan điểm cần thống nhất, tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục, vua cho ban hành nhiều quy định thay đổi trang phục để tạo ra sự thống nhất giữa hai miền Nam, Bắc. Áo dài ngũ thân cổ đứng, gài năm cúc bên phải mặc kèm với quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước ta, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian, từ Bắc chí Nam.
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan (thành phố Huế) cho hay, thuở ấy, từ vua quan cho đến thường dân, ai ai cũng mặc áo dài. Trong lối sống sinh hoạt thường ngày như đọc sách, ra chợ đến lúc tiếp khách hay bước ra khỏi nhà, áo dài luôn luôn thường trực. Mặc áo dài là cách để thể hiện sự kính trọng đối với những người xung quanh, với không gian sống.
Sự phân biệt về đẳng cấp, thứ bậc trong xã hội chủ yếu được thể hiện qua chất liệu, màu sắc của vải may và mức độ cầu kỳ của các hoa văn trang trí trên áo dài ngũ thân. Đặc biệt, những chiếc long bào của các vị vua triều Nguyễn thường sắc sảo và tinh tế trong từng chi tiết. Chúng được làm từ lụa tơ sống và vải dệt vân đoạn. Sợi chỉ được se từ vàng, bạc và đồng tạo nên sắc màu hài hòa cho họa tiết con rồng trên áo - tượng trưng của một vị vua. Các họa tiết sóng, nước, mây bay bày trải trên tấm áo thể hiện sự hòa hợp, thẩm mỹ của nhân sinh quan và vũ trụ quan; qua đó khiến người mặc trở nên cao quý, sang trọng.
Như vậy, chiếc áo dài ngũ thân được sản sinh từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và trở thành quốc phục dưới thời vua Minh Mạng. Hành trình ấy kéo dài trong khoảng 100 năm. Đến nay, bộ trang phục đặc biệt này đã có gần 300 năm lịch sử. Vẻ đẹp cổ điển và các giá trị văn hóa của nó đã được thử thách và khẳng định. Với bề dày lịch sử ra đời và phát triển ấy, Cố đô Huế xứng đáng trở thành nơi Kinh đô áo dài của Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế, khi mọi người nơi đây chỉ mặc áo dài, Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan là một “nhân chứng sống” hiếm hoi am hiểu tường tận và sở hữu, sưu tầm nhiều chiếc áo dài ngũ thân triều Nguyễn. Bộ sưu tập của bà với tên gọi “Áo dài xưa” có niên đại hàng trăm năm từ đầu thời Nguyễn, bao gồm nhiều chiếc áo quý do vua Khải Định, bà Từ Cung (vợ vua Khải Định), các hoàng phi của vua Khải Định từng mặc, hay áo nhật bình của mệnh phụ phu nhân, các bộ áo dài nam… Những cổ vật này được nâng niu, trân trọng qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử đất nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan cho hay, chiếc áo dài của người dân xứ Huế thời ấy khi nhìn kỹ sẽ thấy đó là tác phẩm nghệ thuật công phu của những người thợ may. Mỗi đường kim, mũi chỉ được may thêu tỉ mỉ, việc sắp đặt nút áo cũng thể hiện năng khiếu của họ. Giá trị của mỗi chiếc áo được thể hiện ở sự phối hợp hài hòa giữa những sắc màu, quan niệm nhân sinh quan trên chiếc áo.
Dưới triều đại nhà Nguyễn, nhân dân xứ Huế thường mặc áo dài ra đường để thể hiện là người lịch sự và cũng để thể hiện vẻ đẹp giữa những con người trong xã hội với nhau. Mỗi bộ áo dài là mỗi bản ngã riêng của người mặc; qua đó thấy được thứ bậc, giai cấp của họ trong gia đình và xã hội phong kiến xưa.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải chia sẻ: Chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển cùng nhiều biến cố của lịch sử. Nó ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ, tinh tế của con người Cố đô, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh.
Dù đã trải qua hàng trăm năm, áo dài vẫn luôn được coi là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế. Nếu đối với phụ nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng và làm toát lên nét đẹp duyên dáng, thanh lịch của người con gái xứ Huế, áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông.
Đến nay, vẻ đẹp truyền thống với nét dịu dàng, e ấp của cô gái Huế trong tà áo dài tím vẫn còn nguyên vẹn và có sức lay động lòng người. Phụ nữ nơi đây luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng riêng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt. Tùy theo điều kiện kinh tế, ai ai cũng có cho riêng mình vài bộ áo dài.
Là một cô giáo, chị Nguyễn Thúy Vân (phường Vỹ Dạ, thành phố Huế) sở hữu không ít bộ áo dài và thường xuyên ăn vận chúng trên bục giảng hằng ngày. Chị cho hay, mỗi khi mặc áo dài chị cảm thấy bản thân duyên dáng và tự tin hơn trước các học trò. Dù đi đến nơi đâu, chị đều luôn mong muốn khoác lên mình chiếc áo dài thướt tha để tôn lên vẻ đẹp của người con gái xứ Huế và tự hào vì là con người Việt Nam.
Ngày nay, áo dài đã trở thành một món quà lưu niệm chứa đựng văn hóa, tinh thần độc đáo của vùng đất Cố đô mà nhiều du khách thập phương yêu mến, lựa chọn mỗi khi đến đây. Không cách điệu cầu kỳ, những chiếc áo dài xứ Huế vẫn giữ được nét đẹp của áo dài truyền thống nhưng tỉ mỉ trong các chi tiết đường cắt, thêu thùa, đính hạt và đơm nút.
Có nhiều dịp đi vào du lịch ở Huế, chị Phạm Thị Phương Thảo (Hà Nội) khá am hiểu về văn hóa, con người nơi đây. Chị đã lựa chọn mặc áo dài để xuất hiện bên những di tích, danh lam thắng cảnh. Trong sắc màu áo tím, chị thấy mình nền nã, dịu dàng và đằm thắm phù hợp với sự cổ kính, sang trọng của khung cảnh Cố đô. Chị Phương Thảo chia sẻ, đi trên đường đâu đâu chị cũng bắt gặp những tà áo dài thướt tha. Từ các cô học trò nhỏ trên sân Trường Quốc học Huế đến các chị em tiểu thương trong chợ Đông Ba, mọi người đều rạng rỡ, vui tươi và thân thiện. Họ cùng nhau tôn lên nét thùy mị, nết na và thần thái của người phụ nữ Huế trong cách đi đứng hay ứng xử.
Dù xu hướng thời trang phát triển không ngừng nhưng những thiết kế áo dài Việt luôn giữ được nét tinh hoa của quốc phục xưa. Trên mảnh đất Cố đô Huế, người dân và chính quyền nơi đây vẫn đang nỗ lực không ngừng để hồi sinh, đưa áo dài trở lại trong đời sống thường nhật. Từ những phong trào tôn vinh áo dài nơi công sở, phát triển các cơ sở may áo dài..., Thừa Thiên - Huế với vai trò là Kinh đô áo dài Việt Nam đã lan tỏa giá trị văn hóa của áo dài Huế rộng khắp cả nước và khiến bạn bè khắp năm châu thích thú, trầm trồ với hình ảnh con người Việt Nam nền nã, thướt tha trong bộ quốc phục.
Dưới thời vua chúa nhà Nguyễn, Huế đã thực sự là Kinh đô áo dài của Việt Nam, là nơi chứng kiến lịch sử hình thành và phát triển của loại quốc phục này. Thế nhưng, khi vua Bảo Đại thoái vị, kết thúc triều đại phong kiến cuối cùng của đất nước, áo dài ngũ thân không còn xuất hiện như một thường phục hay mặc của người dân Việt Nam nữa. Áo dài Huế cũng trải qua một giai đoạn không được coi trọng, phát huy sau những biến cố của chiến tranh, khi kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn.
Từ đó đến nay, nhiều lần quốc phục xưa được khởi xướng mặc trở lại. Đó là khi Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Duy Tâm (Đại học Y khoa Huế) khởi xướng việc khôi phục trang phục áo ngũ thân tại các lễ tốt nghiệp sinh viên ngành Y trong khoảng thời gian 1967 - 1972. Hay từ năm 1989, các nữ giáo viên xứ Huế đã tiên phong mặc tà áo dài đứng trên bục giảng; lan tỏa tinh thần ấy đến các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh.
Sự quay trở lại của áo dài được đánh dấu mạnh mẽ hơn cả là trong những năm gần đây. Nhiều người con xứ Huế đang nỗ lực hết mình gìn giữ và hồi sinh những cổ phục triều Nguyễn để thế hệ mai sau được hiểu hơn, trân trọng những giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Trong đó, không thể không nhắc đến Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan (thành phố Huế) cùng hành trình đầy gian nan tìm kiếm, sưu tầm và gìn giữ những bộ áo dài triều Nguyễn. Bộ sưu tập của bà đã từng gây nên tiếng vang lớn tại triển lãm ở Viện Văn hóa Goethe (Hà Nội), diễn ra vào năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Đức.
Xuất phát với nhiều gian nan khi thời cuộc người dân xem áo dài xưa là biểu hiện của sự trưởng giả phong kiến, Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan bắt đầu rục rạo, tìm kiếm những chiếc áo dài triều Nguyễn từ trong rương cũ và thuyết phục người thân, bạn bè xung quanh để lại cho bà. “Khi tôi du học trở về sau năm 1975, chiếc áo dài không còn được các bà, các mẹ và người dân mặc nhiều như xưa nữa. Điều đó làm tôi cảm thấy rất buồn, tiếc và mong mỏi được đưa hình ảnh áo dài xưa trở về. Tôi thấy rằng, người Việt Nam mặc áo dài đẹp hơn bất cứ trang phục thời trang nào khác. Khi tôi mặc áo dài ở ngoại quốc, mọi người đều trầm trồ khen ngợi và thấy nó trang trọng, hoàn hảo" - Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan bày tỏ.
Để những cổ vật áo dài ấy phát huy giá trị trong thời đại mới, người con xứ Huế - nhà thiết kế Trần Hồng Quang Hòa (thành phố Huế) đã dành nhiều năm tìm hiểu và thiết kế nên nhiều bộ áo dài độc đáo mang hơi hướng của áo dài triều Nguyễn. Anh không ngừng nghiên cứu về quốc phục xưa để sáng tạo nên những chiếc áo dài ấn tượng; qua đó, chuyển tải những thông điệp, giá trị nhân văn trong từng sản phẩm của mình đến người mặc. Các thiết kế của anh vẫn giữ cấu trúc của áo ngũ thân truyền thống với 5 thân và 5 nút cài áo. Điểm nhấn là các chi tiết kết hợp màu sắc tươi mới, đính hạt độc đáo cùng hoa văn thêu dệt hiện đại.
Nhằm phát triển đam mê, anh vẫn đang tiếp tục ấp ủ nhiều dự án mới để tạo nên những chiếc áo dài ngũ thân mang thương hiệu và nét đặc trưng của xứ Huế. Nhà thiết kế trẻ cho biết, tư liệu về trang phục triều Nguyễn đã bị thất lạc, mai một và đứt gãy một thời gian. Vậy nên, anh phải thường xuyên tìm hiểu qua các bậc tiền bối và hiện vật để có cơ sở mô phỏng, tạo nên tà áo truyền thống mang hơi thở đương đại như ngày nay. Anh mong muốn góp sức nhỏ của mình, tạo nên các buổi gặp gỡ giao lưu để lan tỏa hình ảnh áo dài truyền thống không chỉ tại Việt Nam mà còn đi xa hơn ở các sự kiện mang tính quốc tế.
Mọi nỗ lực của nhà thiết kế Quang Hòa đều hướng đến nâng cao giá trị văn hóa Huế, nét đẹp truyền thống của áo dài. Anh là người đầu tiên và đến nay vẫn duy trì sự đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên - Huế quảng bá hình ảnh áo dài truyền thống qua các mùa Festival Huế.
Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng (thành phố Huế) đang lưu giữ, sưu tầm hàng chục bộ trang phục đại triều của vua quan thời Nguyễn. Có những chiếc áo được anh kiếm tìm, thuyết phục mua lại hàng chục năm trời. Nhờ duyên với trang phục cung đình mà giờ đây, anh trở thành “ông trùm” xứ Huế về cổ vật triều Nguyễn.
Mỗi người đều có một cách riêng để đưa áo dài xưa trở về với cuộc sống đương đại. Nhìn chung, họ đều mong muốn thể hiện tình yêu và nêu cao giá trị của trang phục này đến thế hệ hôm nay và mai sau. Có thể nói, họ là những nhân tố góp phần vào công cuộc phục hưng chiếc áo dài truyền thống và xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam.
Tháng 8 năm 2021, Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức phê duyệt. Qua đó, địa phương hướng đến phục hưng di sản văn hóa truyền thống - áo dài Huế, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại và từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài Huế; để trang phục này trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của địa phương. Từ đó, phát triển Cố đô Huế thực sự là kinh đô của áo dài Việt Nam và Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, Thừa Thiên - Huế đề cao vai trò của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự tham gia của cộng đồng chính là chìa khóa để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản của áo dài Huế một cách bền vững” - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải chia sẻ.
Là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng các ban ngành, tổ chức xã hội nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã có nhiều hành động cụ thể lan tỏa mạnh mẽ nội dung của đề án đến với đời sống cộng đồng; đặc biệt là quảng bá, truyền thông về giá trị, xây dựng và phát triển thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”.
Đơn vị đã đi tiên phong không chỉ trong việc tổ chức hội thảo khoa học, sưu tầm, số hóa các tư liệu liên quan, xây dựng hồ sơ về áo dài với tư cách là một di sản, mà còn đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, lễ chào cờ nơi công sở, trong đón tiếp khách ngoại giao… Nhờ đó, phong trào khôi phục, chấn hưng và phát triển áo dài truyền thống Huế, tiêu biểu là các loại cổ phục như áo ngũ thân tay chẽn, ngũ thân tay rộng, áo nhật bình... đã đạt được những tín hiệu đáng mừng, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nhân dân và trong khối cơ quan Nhà nước, trường học…
Không dừng lại ở đó, tỉnh hướng đến phát huy, xây dựng Huế trở thành một trung tâm trình diễn vẻ đẹp của áo dài, là nơi du khách nghĩ đến mỗi khi muốn trải nghiệm và mua sắm, may mặc áo dài. Bởi áo dài miền nào cũng có nhưng áo dài Huế lại mang một nét riêng, được làm từ những bàn tay khéo léo của những người thợ tỉ mẩn vùng đất Cố đô. Từng đường cắt khéo léo hay những đường kim, mũi chỉ được trau chuốt cẩn thận tạo nên sự đắt giá, riêng biệt của áo dài Huế.
Nhà thiết kế Trần Hồng Quang Hòa cho hay, rất nhiều du khách tìm đến anh để có được những thiết kế áo dài riêng độc đáo. Các bạn trẻ có xu hướng yêu thích trở lại các thiết kế của áo dài ngũ thân truyền thống và tạo những nét chấm phá riêng bằng cách kết hợp các hoa văn, chi tiết đính đá. Điều vui mừng là họ rất tự tin khi mặc những trang phục này đến khắp nơi để check-in quảng bá cho tà áo dài truyền thống xứ Huế.
Là một sự kiện truyền thống, đặc sắc của Festival Huế, Ngày hội áo dài nay được tổ chức định kỳ mỗi năm 2 lần, trở thành chuỗi sự kiện văn hóa cộng đồng, điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Thừa Thiên - Huế... Ở đó, các tầng lớp nhân dân được huy động tham gia mặc áo dài trong hầu hết các lĩnh vực. Tỉnh khuyến khích, từng bước đưa áo dài Huế trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống, tạo nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô.
Bài: Mai Trang
Ảnh: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà
09/07/2022 06:55