Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong hai ngày từ 12 đến 13/8, tại Km80+600, Quốc lộ 279 đoạn thuộc thôn Bông 1 - 2, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên tiếp tục xảy ra sạt lở đất, đá taluy dương với khối lượng lớn. Trước đó, tại địa điểm này, ngày 7/8 cũng đã xảy ra sạt lở taluy dương với khối lượng lớn, đất, đá tràn lấp toàn bộ đoạn đường hàng trăm mét gây chia cắt giao thông hoàn toàn từ trung tâm huyện Bảo Yên đi xã Bảo Hà và ngược lại.
Để đảm bảo an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lào Cai đã cho mở một đường tránh bên cạnh có chiều dài khoảng 150m, rộng 6 m để các phương tiện và người dân đi lại trong thời gian chờ các đơn vị khắc phục hậu quả sạt lở đất. Cùng với đó, ngành giao thông vận tải tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị bố trí máy móc, nhân lực thi công liên tục để dọn đất, đá khắc phục điểm sạt lở. Nhưng do hiện nay trời vẫn mưa nên việc thu dọn hiện gặp rất nhiều khó khăn do bùn đất nhão và phía trên taluy vẫn đang tiếp tục sạt lở. Theo ước tính, điểm sạt lở này từ đỉnh đồi cao 135 m khiến đất, đá tràn xuống vùi lấp đoạn đường dài gần 100 m chiều cao khoảng 7 m, rộng 11 m, với khối lượng khoảng trên 5.400 m3; phía trên đồi còn 25.000 m khối taluy dương đang tiếp tục sạt trượt xuống.
Cũng do mưa lớn nhiều ngày, vào lúc 14h ngày 13/8, tại Km114+80, đoạn qua xã Trung Chải, thị xã Sa Pa xuất hiện một điểm sạt lở taluy dương với khối lượng đất đá lớn tràn xuống lòng đường gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông qua đây. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Đội 2, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Lào Cai đã đến hiện trường phân luồng, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua điểm sạt lở. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đường bộ Lào Cai đã huy động nhân lực, máy móc đến khắc phục điểm sạt lở.
Ngoài ra, để chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra đối với hệ thống hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người dân tham gia giao thông, ngành giao thông vận tải Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung cao độ rà soát và thực hiện các giải pháp khắc phục các điểm gây cản trở thoát lũ, ngập lụt các khu dân cư, làm ách tắc giao thông trên quốc lộ, đường tỉnh; rà soát vật tư, thiết bị, nguồn lực dự phòng; rà soát lại các phương án đảm bảo giao thông trên các quốc lộ, đường tỉnh; xây dựng phương án đảm bảo giao thông trong các tình huống đường ngập do lũ lụt, sạt lở làm gián đoạn giao thông; trong đó có các giải pháp khi cần có thể phân luồng cho các phương tiện đi sang quốc lộ, đường tỉnh khi xảy ra sạt lở, giao thông không an toàn; thực hiện cắm biển báo hiệu đường bộ, biển cấm tạm thời tại các vị trí ngầm tràn và các đoạn đường bị ngập do lũ lụt, các vị trí sạt lở đất đá, sạt, trượt, đứt nền và các vị trí khác không bảo đảm an toàn giao thông…