Hồi âm loạt bài Báo động nạo phá thai tuổi vị thành niên - Cần phải “vẽ đường cho hươu chạy”

TS Dương Quốc Trọng (ảnh), Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), Bộ Y tế, đã trao đổi với báo Tin Tức xung quanh việc tìm giải pháp nhằm hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên.

 

Ông nhận định như thế nào về tình hình mang thai ở trẻ vị thành niên hiện nay?

 

Hiện nay, chưa có cơ quan nào công bố số liệu chính thức về tình trạng mang thai tuổi vị thành niên (VTN). Tổng cục Thống kê hoặc Bộ Y tế cũng chỉ công bố tỷ lệ phá thai hoặc tỷ số phá thai chung. Tuy nhiên, “Nghiên cứu nhu cầu chưa được đáp ứng về sức khỏe sinh sản và tình dục; phân tích từ dữ liệu của điều tra, đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS)” do UNFPA thực hiện mới đây cho thấy, nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nhưng chưa được đáp ứng ở tuổi VTN và thanh niên cao gấp 2 lần so với những đối tượng đã có vợ có chồng. Cụ thể, nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai trong nhóm tuổi 15-19 lên tới 35,4% và ở nhóm 20-24 tuổi là 34,6%.


 

Trong những tháng đầu năm, Trung tâm Sức khóe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiếp nhận hơn 400 vị thành niên mang thai ngoài ý muốn được tư vấn nạo phá thai. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Theo tôi, tỷ lệ mang thai ở tuổi VTN, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao vì nhiều địa phương còn tồn tại tục lệ tảo hôn. Vì vậy, ngành DS - KHHGĐ đang triển khai nhiều đề án nhằm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại những địa phương này. Còn tại khu vực thành thị, có rất ít trường hợp tảo hôn nhưng các cháu tuổi VTN sinh hoạt tình dục rất sớm. Nếu các cháu không có đủ kiến thức, kỹ năng về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình thì việc mang thai ngoài ý muốn là điều khó tránh khỏi. Như vậy, sức khỏe và cuộc sống sau này của nhiều cháu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em gái.

 

Nghĩa là các bậc cha mẹ cũng cần phải chấp nhận thực tế là con trẻ sẽ quan hệ tình dục từ năm 13 - 14 tuổi?

 

Dù không chấp nhận thì thực tế đó vẫn diễn ra. Theo tôi, điều rất đáng tiếc là cho đến bây giờ, nhiều người vẫn giữ quan điểm: Giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) cho các cháu khác nào là “Vẽ đường cho hươu chạy”; nhưng thực ra nếu không vẽ đường thì “hươu” vẫn cứ chạy, vì đó là bản năng sinh dục của mỗi người.


Vậy nên, khi con tôi đi học đại học ở nước ngoài, một trong hành trang mà tôi trang bị cho con là hộp bao cao su. Trước đó, tôi hỏi: “Con có cần mang theo bao cao su không”, con tôi trả lời: “Con cần ạ”. Nghe vậy tôi đã nói: “Vậy con hãy mang 1 hộp đi để dùng”. Theo tôi, là người làm cha, làm mẹ trong thời đại hiện nay cần phải nhận thức rõ được thực tế là độ tuổi quan hệ tình dục ở trẻ đang ngày một sớm hơn để từ đó có những chỉ dẫn cần thiết cho con trẻ. Có như vậy mới giúp trẻ tránh hành vi đáng tiếc, đặc biệt là không để các cháu gái phải mang thai ở tuổi VTN.

 

BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng: “Theo tôi, chăm sóc SKSS cho VTN, thanh niên là một chương trình tổng thể đòi hỏi rất nhiều giải pháp, trong đó hoạt động tư vấn giữ vai trò rất quan trọng. Thông qua tư vấn, VTN được cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có được những quyết định đúng đắn nhất. Tuy nhiên, hoạt động này cần phải được thực hiện một cách chủ động hơn nhằm tránh tình trạng VTN tìm đến dịch vụ tư vấn khi đã quá muộn”.


Hiện nay, tuổi VTN sống tại các khu vực thành thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có kiến thức về SKSS, SKTD tương đối tốt hơn các cháu ở nông thôn. Tuy nhiên, với các cháu đọc không kỹ, “chữ tác đánh chữ tộ” thì có khi còn gây hậu quả trầm trọng hơn. Bởi vậy, không chỉ gia đình, ngành y tế mà toàn xã hội cần phải chung tay trong việc nâng cao nhận thức cho giới trẻ về SKSS, SKTD. Và trước hết, chính những bậc phụ huynh, chính những nhà lãnh đạo các cấp các ngành cần thông suốt vấn đề giáo dục SKSS, SKTD cho thế hệ trẻ là một điều rất cần thiết và rất cấp thiết.

 

Thời gian tới, Tổng Cục DS- KHHGĐ sẽ triển khai biện pháp gì nhằm hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở VTN, thưa ông?

 

Trước đây, khi nói đến cung cấp phương tiện tránh thai thì hầu như ngành DS- KKHGĐ chỉ tập trung vào đối tượng phụ nữ có chồng chứ chưa chú ý đến những người chưa chồng nhưng vẫn có nhu cầu về biện pháp tránh thai. Do đó, thời gian qua, chúng tôi đã điều chỉnh lại cách tiếp cận, nhất là đối tượng VTN và thanh niên. Mục đích nhằm giảm tối đa tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và số trường hợp phá thai.

 

Cụ thể, từ khi Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được phê duyệt thì chúng tôi đã chuyển hướng không chỉ tư vấn, truyền thông về SKSS, SKTD cho những phụ nữ đã có gia đình mà còn cho cả học sinh sinh viên và những đối tượng đã lập hoặc chưa lập gia đình ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, chú trọng việc tăng cường cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, các phương tiện tránh thai cho những đối tượng này. Với một số đối tượng không có khả năng chi trả thì cấp phương tiện tránh thai miễn phí. Trường hợp có khả năng chi trả thì sẽ được mua phương tiện tránh thai (chủ yếu là bao cao su) với mức giá được sự hỗ của nhà nước...

 

Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn tăng cường công tác tuyên truyền về SKSS, SKTD trên các trang thông tin điện tử của Tổng cục Dân số - KHHGĐ như: giađinh.net; gopfp.gov.vn hoặc dichvugiadinh.net.vn (trang thông tin điện tử của Trung tâm tư vấn và cung ứng dịch vụ), đặc biệt các bạn trẻ có thể gọi điện đến số máy 1900 8088 để được tư vấn những kiến thức SKSS cần thiết…


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên(thực hiện)

Hồi âm loạt bài Báo động nạo phá thai tuổi vị thành niên - Cần phải “vẽ đường cho hươu chạy”
Hồi âm loạt bài Báo động nạo phá thai tuổi vị thành niên - Cần phải “vẽ đường cho hươu chạy”

TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), Bộ Y tế, đã trao đổi với báo Tin Tức xung quanh việc tìm giải pháp nhằm hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN