Đây là kết quả của Dự án thành phần "Xây dựng bộ sưu tập mẫu sinh vật biển miền Nam Việt Nam" mã số BSTMV.22/15-19, thuộc Dự án cấp Quốc gia "Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam" đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước nghiệm thu, đánh giá có ý nghĩa khoa học, thực tiễn và xếp loại xuất sắc.
Dự án do Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, Tiến sỹ Hoàng Xuân Bền làm Chủ nhiệm. Sản phẩm của Dự án là bộ mẫu sinh vật biển đại diện cho khu vực miền Nam Việt Nam. Toàn bộ mẫu vật đã được sắp xếp trên kệ đựng mẫu theo từng nhóm sinh vật tại Phòng lưu trữ mẫu sinh vật biển miền Nam Việt Nam, Viện Hải dương học.
Nghiên cứu đa dạng về sinh vật biển nước ta
Tiến sỹ Hoàng Xuân Bền cho biết: "Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam" là một trong những dự án với quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài. Dự án đặt ra các mục tiêu gồm: có được bộ mẫu khoảng 50% tổng số loài sinh vật biển miền Nam của Việt Nam phục vụ trưng bày và nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; góp phần hoàn thiện bộ mẫu sinh vật ở biển thuộc Bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam phục vụ nghiên cứu trưng bày.
Dự án nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và hiểu biết cộng đồng; kỹ năng về phân loại sinh vật biển hỗ trợ cho hướng nghiên cứu về đa dạng sinh học biển phục vụ bảo tồn, khai thác hợp lý tài nguyên và giáo dục truyền thông về môi trường biển.
Theo Tiến sỹ Hoàng Xuân Bền, trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã khắc phục nhiều khó khăn gặp phải như: vùng thu mẫu khá lớn từ Đà Nẵng đến Kiên Giang và các vùng biển sâu, xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa. Bên cạnh đó, đối tượng thu mẫu của dự án rất đa dạng gồm cả sinh vật phù du (động vật và thực vật), thực vật biển (rong biển và cỏ biển), động vật không xương sống ở biển (thân mềm, giáp xác, da gai, diun nhiều tơ, san hô, fải miên, tuyến trùng...) đến các loại động vật có xương sống ở biển... Vì vậy, việc tổ chức các chuyến thực địa thu mẫu, xử lý và bảo quản mẫu vật trên biển đối với nhóm nghiên cứu là rất vất vả, đặc biệt ở các vùng biển sâu và xa bờ.
Ngoài ra, việc xác định thành phần loài và số lượng mẫu thu của dự án theo tiêu chí là loài thường gặp và loài hiếm gặp dựa theo các tài liệu đã có như Sách đỏ Việt Nam, Động vật chí, Thực vật chí, các tài liệu chuyên ngành đã công bố… Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi mở rộng vùng thu thập như: thu ở các sinh cảnh khác nhau, tăng địa điểm, thời gian và độ sâu thu mẫu… thì một số loài trước đây cho là hiếm gặp lại thu được số lượng lớn. Mặt khác, có những loài lại có sự thay đổi về số lượng theo thời gian, có năm thu được nhiều nhưng năm khác lại không bắt gặp mặc dù địa điểm và phương pháp thu mẫu là giống nhau.
Từ trước tới nay, các nhà khoa học làm công tác chuyên môn của Viện Hải dương học chủ yếu thu thập mẫu vật phục vụ cho nghiên cứu khoa học là chính. Trong khi dự án này có thêm nhiệm vụ là phải chế tác được Bộ sưu tập mẫu vật phục vụ trưng bày và nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Trong quá trình thu mẫu, các nhóm thu mẫu phối hợp hỗ trợ với nhau đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đề tài, dự án nghiên cứu khác hoặc các đơn vị bạn.
Tiến sỹ Hoàng Xuân Bền cho biết: "Để thu mẫu ở vùng biển Trường Sa, chúng tôi tìm kiếm sự hỗ trợ của Vùng 4 Hải quân và được ra Trường Sa thu mẫu bằng tàu của Hải quân. Ngoài ra, chúng tôi còn có sự hỗ trợ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khi thu mẫu ở vùng biển ngoài khơi xa bờ bằng tàu "Viện Sĩ Oparin" trong chương trình hợp tác giữa hai Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Còn khi thu mẫu ở Hoàng Sa, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của ngư dân trên đảo Lý Sơn".
Để khắc phục việc khó khăn trong định loại, các nhà khoa học của Viện Hải dương học đã phối hợp với các nhà khoa học có chuyên môn sâu ở trong nước và các nhà khoa học quốc tế thông qua việc trao đổi nghiên cứu về mẫu vật giữa hai bên; nhận được sự giúp đỡ từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Việc chế tác mẫu vật là lĩnh vực mới đối với các nhà khoa học của Viện Hải dương học. Viện đã cử cán bộ đi học hỏi phương pháp chế tác từ Nhật Bản, mạnh dạn thử nghiệm một số phương pháp chế tác mẫu theo hướng hiện đại.
Tiến sỹ Hoàng Xuân Bền chia sẻ, Dự án "Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam" cũng có nhiều thuận lợi do Viện Hải dương học là viện nghiên cứu khoa học cơ bản về biển có truyền thống lâu đời nhất Việt Nam hiện nay (Viện sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trong năm 2021). Viện có đầy đủ các nhà nghiên cứu về phân loại ở hầu hết các lĩnh vực đa dạng sinh học cơ bản về biển. Dự án cũng nhận được sự ủng hộ tối đa của Ban chủ nhiệm Dự án ‘Xây dựng bộ sưu tập mẫu vật Quốc Gia về thiên nhiên Việt Nam’ nhằm kịp thời điều chỉnh và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nhiều loài sinh vật mới lần đầu phát hiện ở Việt Nam
Trong quá trình thực hiện Dự án "Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam", một số nhóm chuyên môn đã khảo sát thu thập được các mẫu vật và định loại nhiều sinh vật mới lần đầu tiên ghi nhận ở vùng biển Việt Nam hoặc loài mới cho khoa học như: cá biển ghi nhận mới cho khoa học là cá đàn lia được thu thập ở vùng biển Bến Tre và 7 loài cá khác ghi nhận mới cho khu hệ cá biển Việt Nam ở các vùng biển Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang.
Ngoài ra dự án còn ghi nhận loại san hô mềm mới cho Việt Nam ở vùng biển Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nha Trang và Ninh Thuận; hải miên ghi nhận 2 loài mới cho Việt Nam ở vùng biển Khánh Hòa, Ninh Thuận, Côn Đảo, Phú Quốc và Thổ Chu.
Bên cạnh đó, từ các kết quả thu thập mẫu vật dự án đã xác định thêm vùng phân bố cho nhiều loài sinh vật. Những kết quả khoa học này cho thấy, vùng biển phía Nam nước ta còn rất nhiều điều để khám phá góp phần phục vụ cho sự phát triển khoa học và kinh tế của đất nước.
Theo Tiến sỹ Hoàng Xuân Bền, kết quả đạt được của Dự án "Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam" cho thấy, để bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là ở vùng biển phía Nam Việt Nam, cần có những giải pháp cụ thể và cơ bản như: tăng cường các hoạt động quản lý việc khai thác bền vững nguồn lợi vùng ven bờ, đặc biệt là các nguồn lợi liên quan đến các hệ sinh thái tiêu biểu như: rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và vùng đất ngập nước ven biển...
Các nhà quản lý, các cơ quan chức năng tại các địa phương cần thực hiện quản lý có hiệu quả các khu bảo tồn biển và các sinh cư quan trọng khác; phục hồi các nguồn lợi sinh vât và sinh cư bị suy thoái; xây dựng các chính sách phù hợp trong quản lý tài nguyên và nguồn lợi tự nhiên biển. Cùng với đó, việc nâng cao ý thức của người dân về tuân thủ pháp luật trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển là rất quan trọng.
Đặc biệt, các cơ quan chính sách cần chú trọng và tiếp tục đầu tư có hiệu quả cho các nghiên cứu khoa học biển bao gồm cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như điều tra, đánh giá đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật đặc biệt là vùng biển phía Nam Việt Nam.