Hoa '3.000 năm mới nở' một lần

Màu sắc hoa Ưu Đàm vẫn trắng như ngày đầu được phát hiện vào một tuần trước ở nhà chị Quỳnh Anh tại Phú Yên, chiều cao 8 mm không héo rũ, chỉ có lá sả nơi hoa ký sinh là khô đi, một số cành nghiêng ngả vì gió.
 
Tại nhà chị Lê Nguyễn Quỳnh Anh ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa, Phú Yên, cây sả có lá mọc loài hoa lạ được cho là Ưu Đàm - theo truyền thuyết nhà Phật 3.000 năm mới nở một lần - đã được nhổ vào nhà. Theo chị Quỳnh Anh, mấy hôm trước có mưa lớn vào buổi chiều, sợ những cây hoa mỏng manh bị trôi theo nước mưa, chị đã nhổ cả cây đưa vào nhà.
 
Lá sả có hoa Ưu Đàm mọc hiện đã khô, được gia đình đính trên tấm bìa cứng đặt ở bàn phòng khách cho mọi người có thể xem. Song những bông hoa lạ được cho là loài hoa linh thiêng mang điềm lành vẫn tươi mới, không có dấu hiệu héo rũ.
 
 
Hoa Ưu Đàm tại nhà chị Quỳnh Anh ở Phú Yên sau một tuần phát hiện nở. Ảnh: Thiên Lý.
Hoa Ưu Đàm tại nhà chị Quỳnh Anh ở Phú Yên sau một tuần phát hiện nở. Ảnh: Thiên Lý.

 

Trước những ý kiến cho rằng có thể loài hoa này thực chất là một loại trứng côn trùng chưa nở, thạc sĩ Lê Văn Mậu, giáo viên sinh học trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, TP Tuy Hòa, nghiên cứu hoa dưới kính lúp, nhận định: "Trứng côn trùng không giống với hình dạng, tính chất của loài hoa lạ này, bởi thông thường trứng côn trùng không sắp xếp theo thứ tự mà phân bổ ngẫu nhiên. Còn loài hoa này có cánh và được sắp xếp theo hướng sáng. Một số hoa nở ra có nhụy".

 

Thạc sĩ Mậu cho rằng hoa có thể thuộc nhóm thực vật dị dưỡng (không có sắc tố diệp lục, toàn thân màu trắng).

 

Muốn nghiên cứu loài hoa lạ phải soi qua kính lúp. Trong ảnh là thạc sĩ Lê Văn Mậu đang xem xét hoa trên lá sả. Ảnh: Thiên Lý.
Muốn nghiên cứu loài hoa lạ phải soi qua kính lúp. Trong ảnh là thạc sĩ Lê Văn Mậu đang xem xét hoa trên lá sả. Ảnh: Thiên Lý.

 

Trước đó, Thạc sĩ Trần Minh Châu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên cho rằng đây không phải là một loại hoa, càng không phải hoa Ưu Đàm 3.000 năm nở một lần như lời đồn mà có thể là một loại nấm. Hòa thượng Thích Nguyên Đức, Phó Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên, trụ trì chùa Hồ Sơn (TP Tuy Hòa, Phú Yên) thì nhìn nhận hoa Ưu Đàm chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà không có thật. Nhiều ý kiến khác nói rằng đây là trứng của loài côn trùng mang tên Lacewing.

 

Theo kinh Phật, hoa Ưu Đàm Bà La (Udumbara, gọi tắt hoa Ưu Đàm), từ tiếng Phạn có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”, "3.000 năm mới nở một lần". Hoa từng được phát hiện nở ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, và mới đây nhất, ngày 7/6 xuất hiện trên lá sả nhà chị Quỳnh Anh ở Phú Yên. Hoa từng bắt gặp nở trên thực vật, kim loại, thậm chí trên ngực bức tượng Phật...

 

 Theo vnexpress.net

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN