Giai đoạn đi học được vay tối đa 30 triệu đồng, số tiền còn lại được vay khi có hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hay tổ chức sự nghiệp. Ngoài ra, lao động đi làm việc ở nước ngoài còn được UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ cho vay phần bổ sung chênh lệch giữa mức cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội so với mức chi phí môi giới của các công ty xuất khẩu lao động, tối đa 150 triệu đồng/người.
Ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Trà Vinh) cho biết, tuy là tỉnh có nguồn lao động dồi dào nhưng công tác xuất khẩu lao động của Trà Vinh thời gian qua rất hạn chế. Đa phần người lao động có tâm lý sợ rủi ro, ngại đi xa, cùng với đó là khả năng ngoại ngữ, tay nghề và ý thức kỷ luật kém.
Năm 2017, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó chỉ tiêu của Trung tâm Dịch vụ việc làm là 120 lao động. Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc thực hiện chính sách cho vay vốn, Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nêu gương các lao động đi làm việc ở nước ngoài hiệu quả; tổ chức các buổi hội thảo về công tác xuất khẩu, các phiên giao dịch việc làm, mở các lớp học ngoại ngữ.
Trung tâm cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín để đảm bảo điều kiện làm việc ở nước ngoài tốt nhất cho lao động… Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2014 - 2016, toàn tỉnh đã đưa 647 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó 304 lao động nữ và 128 lao động người dân tộc thiểu số.
Nhật Bản là thị trường thu hút người lao động ở Trà Vinh nhiều nhất, với 408 người. Sau 3 năm làm việc tại Đài Loan, Malaysia... người lao động có thể tích lũy từ 200-400 triệu đồng. Riêng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, sau khi hết hạn hợp đồng về nước, người lao động có thể tích lũy được từ 600-900 triệu đồng.