Chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động.

Đào tạo tu nghiệp sinh nghề xây dựng. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN.

Xuất hiện tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động


Trong những tháng đầu năm 2017, tại một số tỉnh miền Trung, đối tượng cò xuất khẩu lao động (XKLĐ) thường xuống tận các làng xã tuyên truyền có thể đưa lao động đi nhiều nước, thu nhập cao trên 30 triệu đồng/tháng. Đơn cử mới đây, thông qua một người quen ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) giới thiệu, các đối tượng Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thành Trung, tạm trú ở Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) đã tìm về địa phương giới thiệu có thể xuất khẩu lao động, tìm nguồn đưa đi đào tạo khiến nhiều hộ dân tại các xã ven biển Quảng Bình bị lừa đảo lên tới hàng tỷ đồng.


Mới đây Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản đề nghị Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh và xử lý các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động nhưng vẫn tuyển chọn trái phép người lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài.


Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số tổ chức không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động nhưng vẫn tuyển chọn trái phép người lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài. Điển hình là Công ty TNHH Speedy Global Vietnam (tại 81/63 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận), mặc dù không có giấy phép nhưng đã đăng quảng cáo trên mạng tuyển trái phép người lao động đi làm việc trên du thuyền quốc tế với các ngành nghề: nhân viên phục vụ song bạc; nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn; nhân viên chụp ảnh, rửa ảnh; đầu bếp,… thậm chí cả ngành nghề bị cấm là nhân viên massage.


Bên cạnh đó, Công ty cổ phần du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh (118 Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình) không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động nhưng đã tuyển trái phép nhiều lao động để đưa đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út, dẫn đến những lao động này lại bị xâm phạm đến quyền lợi, bị thiệt hại, phải về nước trước hạn.


Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Ngay cả chương trình tuyển lao động đi làm điều dưỡng, hộ lý tại Đức, Nhật Bản theo chương trình hợp tác Chính phủ giữa 2 nước, vừa đăng thông tin tuyển, thì vài ngày sau đã có những đối tượng mạo danh, từng đi làm tại Đức, Nhật Bản để lừa đảo.


Chấn chỉnh sai phạm


Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, năm 2016 ghi nhận con số kỷ lục về lao động đi nước ngoài làm việc với 126.000 lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều sai phạm trong hoạt động xuất khẩu lao động như thu phí cao hơn quy định, cắt xén chương trình đào tạo… “Bộ đã làm rất nghiêm việc thanh tra xử phạt các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, chưa năm nào Bộ chấn chỉnh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ quyết liệt như thời gian qua. Chỉ trong quý 1/2017, Thanh tra Bộ xử phạt 5 đơn vị. Việc thu hồi giấy phép của một công ty rất phức tạp và bị gây sức ép từ nhiều phía vì việc này liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, nhưng để lành mạnh hóa hoạt động XKLĐ chúng tôi buộc phải chấn chính”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.


Liên quan đến vấn đề này, theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ  khi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ 1/7/2007 đến hết năm 2016, chỉ thu hồi được giấy phép hoạt động của gần 40 doanh nghiệp XKLĐ. Việc thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp này chủ yếu là do các doanh nghiệp thôi, chấm dứt hoạt động hoặc chuyển giao giấy phép của công ty mẹ sang công ty con.


Với 5 doanh nghiệp bị thu hồi trong quý 1/2017 đều là những doanh nghiệp có những vi phạm rất nghiêm trọng liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc. Từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Bộ LĐTBXH và Cục Quản lý lao động ngoài nước thanh kiểm tra tại 39 doanh nghiệp, ban hành 292 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp thực hiện khắc phục sai phạm, ban hành 21 quyết định, xử phạt hành chính hơn 2,6 tỷ đồng.


Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã ban hành những quy định khắt khe về số văn phòng đại diện của một doanh nghiệp tại các địa phương để tuyển chọn lao động; đồng thời là tiêu chí lựa chọn từ kiến thức đến sức khỏe của người lao động để đảm bảo hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài diễn ra minh bạch. “Về phía Cục cũng sẽ công khai những đơn vị được phép tuyển lao động đi xuất khẩu, số điện thoại hỗ trợ người lao động và có kế hoạch thanh kiểm tra đảm bảo không lặp lại quá 2 lần/năm trong một doanh nghiệp”, ông Tống Hải Nam cho biết.


XC/Báo Tin Tức
Hơn 100.000 người nghèo được vay vốn chính sách đi xuất khẩu lao động
Hơn 100.000 người nghèo được vay vốn chính sách đi xuất khẩu lao động

Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa cho biết, tín dụng ưu đãi đối với hoạt động đưa người lao động đi xuất khẩu lao động tại ngân hàng này đến nay đã giải ngân cho khoảng 108.580 hộ gia đình với gần 2.500 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN