Hỗ trợ phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh cho đoàn viên, người lao động

Chiều 15/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 9 (khóa XII). Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Hội nghị.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội nghị, chiều 15/7. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Hội nghị lần này tập trung thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng, gồm: Dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Tờ trình về miễn đóng đoàn phí Công đoàn cho đoàn viên gặp khó khăn do dịch COVID-19 và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng Liên đoàn đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt, trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong số các đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 12 đại biểu là cán bộ công đoàn. Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển được đông đảo công nhân, lao động hưởng ứng với 250 nghìn sáng kiến, đạt hơn 300% mục tiêu, điều này thực sự có ý nghĩa, là điểm sáng của công nhân và tổ chức Công đoàn trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Các cấp Công đoàn đã phải căng mình cùng toàn hệ thống chống dịch, có nhiều tấm gương, hình ảnh cán bộ công đoàn không quản khó khăn, chấp nhận rủi ro có thể bị lây nhiễm dịch bệnh, lăn xả vào các hoạt động chăm lo cho công nhân, người lao động bị cách ly trong vùng dịch; tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021. Đây là chủ trương kịp thời, hiệu quả, góp phần san sẻ những khó khăn của người lao động; thông qua chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát động Chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400; phát động Chương trình “Vaccine cho công nhân” thông qua Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị, chiều 15/7. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và trong công tác phòng, chống dịch như: Mô hình “Tổ An toàn COVID-19” trong cơ quan, đơn vị của Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương; thành lập các tổ chống dịch COVID-19 tại khu nhà trọ công nhân và các xe ô tô chở công nhân của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa; “Tổ cứu trợ khẩn cấp”, “Siêu thị 0 đồng” của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang; đề xuất chính sách đặc thù cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh…

Tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, dịch bệnh đã lây lan nhanh vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và đời sống, việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Thành phố Hà Nội đã có trên 1.000 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 48.000 công nhân, người lao động thiếu việc làm, mất việc làm. Tuy nhiên, với tinh thần thần tốc “chống dịch như chống giặc”, “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch với nhiều giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo, đem lại kết quả tích cực, cụ thể. Để đảm bảo an toàn sản xuất, đến nay, toàn thành phố đã có 4.148 doanh nghiệp thành lập được “Tổ An toàn COVID -19” với 11.151 tổ và 49.440 người lao động tham gia. Đây là mô hình sáng tạo của tổ chức công đoàn Thủ đô đã được thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân đã đóng góp to lớn công sức, tài chính vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên chấp hành các biện pháp phòng dịch tại cơ sở; vận động mỗi người cùng chung tay ủng hộ nguồn lực tài chính để công nhân và nhân dân sớm được tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị, chiều 15/7. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đánh giá cao sự chủ động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã sớm tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành và lựa chọn đúng, trúng các vấn đề trong 6 tháng cuối năm 2021, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, các cấp công đoàn cần tập trung vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, mấu chốt nhất là có lộ trình cụ thể; đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn, Công đoàn Việt Nam tiếp tục thực hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực giúp đỡ công nhân, người lao động mất việc làm, giảm việc làm để đảm bảo cuộc sống, không để ai bị thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần rà soát thận trọng, có sự điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tiết kiệm tối đa kinh phí, nguồn lực ở những việc chưa cần thiết để hỗ trợ phục hồi sản xuất và đảm bảo an sinh cho đoàn viên và người lao động.

"Chúng ta sẽ phát huy và tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy ý chí tự lực, tự cường, trí thông minh và tính sáng tạo của người Việt Nam, nhất định chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Đỗ Bình (TTXVN)
Nghị quyết 68/NQ-CP tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Nghị quyết 68/NQ-CP tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vào ngày 1/7/2021 vừa qua là rất kịp thời, tạo đòn bẩy giúp người lao động, người sử dụng lao động vượt "bão" COVID-19, phục hồi sản xuất đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN