Nghị quyết 68/NQ-CP tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vào ngày 1/7/2021 vừa qua là rất kịp thời, tạo đòn bẩy giúp người lao động, người sử dụng lao động vượt "bão" COVID-19, phục hồi sản xuất đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) chuyên may các sản phẩm áo sơ mi, quần jeans, quần âu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có kế hoạch triển khai Nghị quyết 68 một cách cụ thể, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, có như vậy gói hỗ trợ mới đi vào cuộc sống, đúng thời điểm, đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hết tính yêu việt của chính sách; đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trên mọi phương diện, tránh tình trạng phí chồng phí ngay tại thời điểm khó khăn như hiện tại để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, đối với gói hỗ trợ lần thứ nhất, các thủ tục thực hiện thường mất từ 45 ngày, thậm chí 3 tháng mới nhận được hỗ trợ, nên việc này cần cố gắng triển khai nhanh và rộng rãi.
 
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chỉ đạo rà soát khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trên cơ sở đó, khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc, trả lãi và cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có những hợp đồng tốt, lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi được đề xuất khoanh lại đến tháng 12/2022 mà không bị phạt và được loại khỏi nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
 
Đặc biệt, đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% cho vay trực tiếp theo Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Hiện nay, Nghị quyết quy định các đối tượng được giảm quá nhỏ, trong khi có những ngành khác bị ảnh hưởng như du lịch, khách sạn, nhà hàng nhưng lại không ở trong nhóm này.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cần tổ chức trực tuyến đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp hàng quý, hàng tháng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hiện nay, các tỉnh thành khác cũng tổ chức cà phê doanh nhân, hội nghị đầu tư, hợp tác phát triển nhưng chúng tôi đánh giá vẫn chưa hiệu quả một cách thiết thực, nên hiệp hội mong muốn qua sự chỉ đạo đồng hành của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục các chương trình đối thoại.

Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất da giày trong nước hiện đang rất khó khăn, hiệu quả đạt được thấp do phải sản xuất trong điều kiện giãn cách, công suất chỉ đạt khoảng 50%. Trong khi đó, chi phí phát sinh cho phòng chống dịch lớn. Một doanh nghiệp với khoảng 9.000 công nhân, thì số tiền mua dụng cụ test, trang bị đồ phòng hộ… cho cán bộ, công nhân trong khoảng 2 tháng cũng mất tới 1 triệu USD.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container vẫn rất "nóng", thêm vào đó là việc tăng giá của các hãng tàu đang là thách thức lớn của doanh nghiệp. Chi phí đầu vào đã tăng từ 5-10%, đặc biệt là nguyên phụ liệu, trong khi đó, giá gia công không tăng, thậm chí bị ép giảm khiến doanh nghiệp không nhận đơn hàng cũng dở mà nhận cũng dở. Trước đây, doanh nghiệp nhận đơn hàng không tính đến chuyện lãi, chỉ để duy trì lao động nhưng giờ nhận đơn hàng là phải chịu lỗ nên nhiều doanh nghiệp không dám nhận.

Để giúp doanh nghiệp ổn định trong sản xuất, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay, mọi sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu đều rất cần thiết đối với doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh thành nên thành lập tổ công tác "vaccine" doanh nghiệp; trong đó, "vaccine" thứ nhất là có nguồn lực nhanh nhất, sớm nhất, chính xác nhất để có vaccine tiêm cho người lao động, cho lãnh đạo của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp tập trung người lao động.
 
"Vaccine" thứ hai là về cơ chế chính sách, điều kiện thủ tục hành chính còn đang làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vì hiện nay, việc thực hiện bị chậm chễ là do vẫn còn chồng chéo, ngay giữa các vụ trong các bộ, hay một sản phẩm nhưng rất nhiều sở quản lý điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Những thách thức do dịch COVID-19 gây ra cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại và điều chỉnh phương hướng hoạt động, thích nghi với hoàn cảnh mới và hoạt động hiệu quả hơn.
 
Ông Trần Xuân Hải - CEO Missionizer cho biết, chúng ta đang ở trạng thái bình thường mới của một thế giới mới - thế giới hoàn toàn khác với trước khi có COVID-19. Dịch bệnh đã “ép” hàng tỷ người trên thế giới phải học cách làm mới, tập thói quen mới, những dịch vụ trải nghiệm mới sẽ xuất hiện. Trong bối cảnh mới này, cá nhân, doanh nghiệp nào thích ứng nhanh và đưa ra những sáng kiến mới sẽ chiến thắng, ngược lại doanh nghiệp chậm chân sẽ thua cuộc.

Theo ông Hải, phần lớn doanh nghiệp đang tập trung thích nghi và đối phó. Điều này là cần nhưng chưa đủ mà cần đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp của mình, chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới. Từ đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần nhìn thấy cơ hội chứ không chỉ là thách thức. 

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, trong 2 quý đầu của năm 2021 có 13.125 doanh nghiệp được đăng ký mới với số vốn 165.000 tỷ đồng, tăng 4% về số lượng doanh nghiệp, nhưng lại giảm 7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1.582 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt có hơn 7.200 doanh nghiệp đang đăng ký tạm dừng hoạt động và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.600 doanh nghiệp, tăng 74% so với cùng kỳ,...

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đối với 1.500 doanh nghiệp thành viên, hiện nay có 57% các doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng, 38% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, còn các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động hoặc chờ giải thể thì có 2,6%, chỉ có 1,4% các doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt.

Nam Giang (TTXVN)
Kịp thời hỗ trợ các tổ chức tín dụng gỡ vướng trong hoạt động
Kịp thời hỗ trợ các tổ chức tín dụng gỡ vướng trong hoạt động

Ngày 15/7, tại Hội nghị thường niên lần thứ nhất nhiệm kỳ VII (2020 – 2024) của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết sẽ kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức thành viên trong quá trình hoạt động để kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành liên quan hỗ trợ, giải quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN