Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm sớm thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ông Đinh Văn Duân, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để kịp thời cấp kinh phí cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện nội dung trên, xin ý kiến đóng góp các sở, ngành, địa phương, đơn vị; đồng thời có văn bản đề nghị Sở Tài chính xem xét trình UBND tỉnh cấp kinh phí về UBND cấp huyện để tổ chức chi trả cho các đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn.
Qua công tác rà soát, toàn tỉnh hiện có 15.646 người có công, 39.827 đối tượng bảo trợ xã hội, 12.350 người thuộc hộ nghèo và 23.304 người thuộc hộ cận nghèo. Với dự toán hỗ trợ 3 tháng, mỗi tháng 500 nghìn đồng cho người có công và đối tượng bảo trợ xã hội, mỗi tháng 250 nghìn đồng cho người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ dự toán là 109,95 tỷ đồng.
Về việc rà soát hỗ trợ doanh nghiệp, công nhân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ông Thân Văn Vọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý trên 300.000 công nhân, viên chức, lao động; trong đó có trên 276.000 người đang làm việc ở các khu công nghiệp. Qua nắm bắt tình hình, đối tượng ảnh hưởng nặng nhất là các ngành nghề vận tải, đơn vị dịch vụ nhà hàng, ăn uống, giáo dục ngoài công lập… Đến nay, toàn tỉnh có 1.000 doanh nghiệp phải ngừng việc, 1.279 người chấm dứt hợp đồng lao động, trên 1.000 người nghỉ việc không lương, 506 lao động phải làm việc luân phiên…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong khẳng định, tỉnh đẩy mạnh, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với những đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, tỉnh thống nhất chi trả tiền hỗ trợ làm hai đợt, đợt 1 dịp 30/4 và 1/5, đợt 2 chậm nhất ngày 15/5. Trong đó, ở lần chi trả đợt đầu tiên, tỉnh sẽ chi trả đối với 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Đợt 2 sẽ chi trả tiền hỗ trợ với các đối tượng còn lại như hộ kinh doanh cá thể, lao động chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động vay vốn…
Để công tác chi trả diễn ra thuận lợi, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị trong quá trình chi trả bảo đảm công khai minh bạch, đối tượng thuộc 2 chế độ sẽ chọn một chế độ cao hơn không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ khác. Các địa phương công khai danh sách đối tượng được chi trả hỗ trợ ở nơi công cộng, nhà văn hóa khu phố, thôn làng, UBND xã và trên phương tiện truyền thông. Công tác truyền thông cần đẩy mạnh để những người hưởng hỗ trợ nắm chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ đó cùng tham gia công tác giám sát.
Bắc Ninh cũng xem xét đối với những đối tượng khác không nằm trong Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg như giáo viên hợp đồng…từ đó có hướng tham mưu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền thông qua theo các chính sách địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao nhiệm vụ cho từng ngành để thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ. Theo đó, ngành Bưu điện thực hiện chi trả hỗ trợ đối với đối tượng bảo trợ xã hội. UBND các huyện, xã thực hiện chi trả cho người có công, người nghèo, cận nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì phối hợp các ngành liên quan thống kê chủ sử dụng lao động vay vốn thuộc diện trong Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề xuất nguồn vốn hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể xã hội tham gia giám sát quá trình thực hiện…
* Trong hai ngày 27 và 28/4, tại tỉnh Ninh Bình, nhiều cơ quan, đoàn thể, đơn vị và "mạnh thường quân" tại địa phương đã cùng chung tay tặng quà, vật tư y tế, nhu yếu phẩm với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng cho đội ngũ nhân viên y tế làm nhiệm vụ phục vụ và điều trị cho người bệnh; học sinh và một số hộ nghèo trên địa bàn.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức trao tặng 400 bộ quần áo chống dịch cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan và huyện Kim Sơn; tặng 700 khẩu trang cho học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Nho Quan và một số nhu yếu phẩm cho 20 hộ nghèo tại huyện Hoa Lư. Đây là những phần quà được Hội Chữ thập đỏ kêu gọi và là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh gửi đến các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ hoặc gặp khó khăn do dịch bệnh.
Dịp này, nhằm hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình đã trao 1.600 suất quà với mỗi suất gồm 10 kg gạo, 1 lít dầu ăn cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn trực thuộc Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố và Ccông đoàn ngành trên địa bàn tỉnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi các cấp, các ngành về việc phòng, chống dịch COVID-19, Trường Cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã trao tặng 15 máy sát khuẩn tự động cho trường Trung học Phổ thông Yên Mô A và một số Trường Trung học Phổ thông tại huyện Kim Sơn, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình...
Đặc biệt, trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ dịch, một cá nhân trên địa bàn đã trao tặng hơn 5.000 khẩu trang cho học sinh các trường ở thành phố Ninh Bình và huyện Kim Sơn để động viên các em yên tâm học tập.
Những phần quà này góp phần chung sức cùng cả nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh và tiếp thêm động lực, động viên tinh thần các y, bác sĩ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, học sinh yên tâm học tập và giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn vượt qua dịch bệnh.