Hà Nội có 850.000 lao động tự do mất việc kê khai nhận hỗ trợ của Chính phủ

Theo sơ bộ rà soát, nhóm đối tượng lao động tự do mất việc tại Hà Nội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kê khai nhận hỗ trợ là 850.000 người.

Chú thích ảnh
Người có hoàn cảnh khó khăn tại xóm "Chạy thận" Hà Nội nhận hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Hà Nội đã tiến hành thống kê sơ bộ những đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Bước đầu, xác định có 1,5 triệu người, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 3.528 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng đông nhất là lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người không có giao kết hợp đồng lao động (hay còn gọi là lao động tự do), tổng số là hơn 925.000 người, với kinh phí dự kiến là hơn 2.775 tỷ đồng. Trong đó, người lao động bị chấm dứt hợp đồng, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 75.000 người; lao động tự do là 850.000 người.

Nhóm có hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ không lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương từ tháng 4 đến tháng 6 là 137.000 người (tính theo từng tháng), với kinh phí hỗ trợ dự kiến là hơn 247,8 tỷ đồng.

Nhóm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 77.126 người, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, kinh phí dự kiến là hơn 115,6 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội nhận trợ cấp hàng tháng theo dánh sách là 182.105 người với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, kinh phí dự kiến là hơn 273 tỷ đồng.

Còn với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo của là 155.701 người, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/người, kinh phí hỗ trợ dự kiến là hơn 116,7 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết: Riêng đối với các nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo do đã có danh sách, nên Thành phố sẽ triển khai hỗ trợ ngay và cố gắng xong trước 30/4/2020. Hiện các quận huyện đang rà soát lại nếu đối tượng thuộc nhiều nhóm thụ hưởng thì sẽ xác định ở nhóm có mức hưởng cao nhất.

Đơn cử như quận Đống Đa, sau khi rà soát và loại các nhóm đối tượng trùng 2 nhóm trở lên thì người có công còn 3.469 người (số lĩnh trợ cấp hàng tháng là 4.017 người ); đối tượng bảo trợ xã hội còn 3.559 người (số lĩnh trợ cấp hàng tháng là 3.807 người )

Các nhóm đối tượng còn lại sẽ rà soát lại lần nữa theo hướng dẫn của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Sáng ngày 28/4, các quận huyện sẽ hướng dẫn các phường, xã tiến hành rà soát các nhóm đối tượng thụ hưởng, trong đó lưu ý những điều kiện hưởng của nhóm lao động tự do và có sự tham gia giám sát của Mặt trận tổ quốc các cấp.

XC/Báo Tin tức
Đối tượng bảo trợ xã hội có phải làm thủ tục để nhận hỗ trợ của Chính phủ?
Đối tượng bảo trợ xã hội có phải làm thủ tục để nhận hỗ trợ của Chính phủ?

Bạn đọc hỏi: Tôi là người khuyết tật, lại thuộc hộ nghèo. Vậy tôi sẽ được hỗ trợ như thế nào từ gói hỗ trợ của Chính phủ và mức hỗ trợ ra sao? Thủ tục như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN