Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Minh Hoàng đánh giá, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết, Đồng Tháp đạt những kết quả tích cực. Các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị là tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ, hội viên cựu chiến binh nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào ở địa phương; tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Cán bộ, hội viên ở khu vực biên giới tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng cho biết, tranh thủ kinh phí từ nhiều nguồn, tỉnh cơ bản giải quyết được vấn đề nhà ở cho hội viên cựu chiến binh, xóa nhà ở tạm bợ, số lượng hộ nghèo là hội viên cựu chiến binh còn rất ít. Cựu chiến binh luôn là lực lượng quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Ông Phan Văn Thắng lưu ý, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội Cựu chiến binh tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng. Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng nhận thức chính trị cho cán bộ, hội viên và công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ…
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp, 20 năm qua, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội Cựu chiến binh triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch cụ thể về phát triển kinh tế, giảm nghèo, xóa nhà tạm cho hội viên. Từ năm 2002 đến nay, đã hỗ trợ được hơn 1.500 hộ cựu chiến binh nghèo; vận động xây dựng, sửa chữa 1.840 căn nhà, trị giá hơn 122 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên cựu chiến binh giảm từ 9,36% năm 2002 xuống còn 0,46% năm 2022; số hộ có mức sống trung bình khoảng 46% và khá, giàu trên 53%.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, đến nay, toàn tỉnh có số dư nợ vốn vay trên 916 tỷ đồng, với 33.528 lượt hộ cựu chiến binh vay vốn sản xuất; có 686 Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội viên cựu chiến binh làm Tổ trưởng. Tỉnh khuyến khích, động viên cựu chiến binh thành lập mới 42 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 207 tổ chức kinh tế hợp tác, thu hút hơn 2.000 lao động, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hội viên cựu chiến binh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và mang lại hiệu quả, có gần 13.600 lượt hội viên được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” được phát động mạnh mẽ, liên tục, rộng khắp. Nhiều cựu chiến binh cùng gia đình gương mẫu, tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Những hoạt động tình nghĩa luôn được các cấp Hội tích cực tham gia.
Các cấp Hội Cựu chiến binh thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo công tác Hội và phong trào cựu chiến binh từng bước phát triển về số lượng, chất lượng, đạt hiệu quả thiết thực. Đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, khơi dậy tinh thần cách mạng trong cán bộ, hội viên; chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ Nghị quyết số 09-NQ/TW đề ra, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Hội Cựu chiến binh, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin cậy.