Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam Khuất Việt Dũng cho biết, nhiệm vụ quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đặt ra trách nhiệm của Hội Cựu chiến binh phải xây dựng tổ chức Hội các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, hội viên tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Để có cơ sở đề xuất Ban Chấp hành Trung ương Hội ra nghị quyết chuyên đề xây dựng Hội Cựu chiến binh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, từ đầu năm 2023 đến nay, Thường trực Trung ương Hội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai Đề án “Xây dựng Hội Cựu chiến binh vững mạnh về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới”.
Thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI đã ra Nghị quyết chuyên đề số 05 về xây dựng cơ sở Hội vững mạnh toàn diện và Nghị quyết số 09 về Quy hoạch đội ngũ cán bộ Hội Cựu chiến binh các cấp. Các nghị quyết trên đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Hội về tổ chức và cán bộ.
Đến nhiệm kỳ này, Nghị quyết Đại hội lần thứ VII xác định: Xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng là khâu đột phá thứ nhất. Theo Chương trình toàn khóa, Ban Chấp hành Trung ương Hội sẽ ra nghị quyết chuyên đề để xây dựng Hội Cựu chiến binh vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Như vậy, ba nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Hội sẽ tạo nên một chỉnh thể thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ trong giai đoạn mới.
Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động của Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình, Đại tá Trần Viết Doanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho rằng, trong mọi giai đoạn, việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước là một yêu cầu khách quan. Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh các cấp cần nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xây dựng Hội vững mạnh cả về chính trị và tư tưởng; kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác kiểm tra, giám sát của Hội Cựu chiến binh, qua đó chủ động phát hiện, xử lý kịp thời những vướng mắc trong công tác và hoạt động Hội các cấp, quan tâm đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên.
Đề xuất một số giải pháp, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hải Phòng Phạm Công Lục nhấn mạnh, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải hướng vào nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Hội là tham gia bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ nhân dân. Các cấp Hội cần làm tốt công tác dự báo, định hướng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; không để kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội ở địa phương.
Các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng và nội dung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở, nền tảng để xây dựng Hội Cựu chiến binh các cấp vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các đại biểu phân tích những hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế về tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, những vấn đề khó khăn, bất cập, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm thiết thực trong công tác xây dựng Hội giai đoạn tới; trao đổi một số vấn đề khó khăn đã và đang tác động, ảnh hưởng tới công tác xây dựng Hội về chính trị, tư tưởng, đồng thời đề xuất một số biện pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp đối với vấn đề này trong giai đoạn mới.