Tìm đến gặp ông tại ngôi nhà trên một con phố nhỏ ở tổ 10, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tuy tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn rất minh mẫn, niềm nở đón chúng tôi vào nhà. Khi được biết có các nhà báo đến tìm hiểu về việc làm ý nghĩa của mình hơn 50 năm qua, ông rất hào hứng, vui vẻ dẫn chúng tôi lên căn phòng nhỏ trên tầng 2 là nơi vừa làm việc vừa nghỉ ngơi.
Căn phòng chỉ rộng chừng 10 mét vuông nhưng bày hàng chồng sách báo, tài liệu và những cuốn sổ viết tay. Tất cả đều gắn liền với những tư liệu, hình ảnh, sự kiện về Bác Hồ. Trên những bức tường được ông treo kín bằng khen, giấy khen được các cấp, các ngành trao tặng về thành tích “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Vừa với tay lấy một cuốn sổ ghi chép bằng tay những mẩu chuyện, sự kiện về Bác, ông vừa chia sẻ: “Những tài liệu về Bác mà tôi sưu tầm được, tôi vẫn thường xuyên đọc, suy ngẫm hàng ngày về những việc làm bình dị của Bác. Nhiều bài viết tôi đọc mà cảm động đến chảy nước mắt, nhất là thời kỳ Bác ở Chiến khu Việt Bắc. Trong lòng tôi luôn luôn nghĩ về Bác. Công ơn Bác lớn lắm, có Bác chúng ta mới có được cuộc sống tươi đẹp như hiện nay...”.
Đã hơn 80 tuổi nhưng hằng ngày ông Trần Đức Hồi vẫn dành thời gian tỷ mỉ ghi chép lại từng trang viết, bài báo hay mà ông sưu tầm được về Bác Hồ vào những quyển sổ một cách cẩn thận. Công việc sưu tầm đã trở thành niềm đam mê mãnh liệt trong ông với mong muốn hình ảnh của Bác mãi khắc ghi trong tâm khảm của ông cũng như những thế hệ trẻ sau này. Đối với ông Trần Đức Hồi, tình cảm dành cho Bác Hồ rất đặc biệt. Từng là một người lính, cùng đồng đội trải qua nhiều trận địa, mưa bom, bão đạn ác liệt, ông luôn thấu hiểu được giá trị của tự do, của hòa bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cả cuộc đời vì độc lập của dân tộc.
Ông kể lại: Ngày 1/6/1960, ông may mắn có được vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu của thế hệ trẻ được gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội. Ngày đó đã trở thành một kỷ niệm thiêng liêng, một niềm hạnh phúc lớn lao trong suốt cuộc đời của ông. Đến năm 1969, khi Người đi xa, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cả dân tộc Việt Nam, ông Trần Đức Hồi quyết tâm sưu tầm các tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Từ những đầu sách báo cho đến những bài viết về Người đều được ông tìm kiếm, cất giữ, nâng niu và trân trọng với tất cả sự kính yêu và biết ơn vô hạn. Ông nhắn nhủ, chúng ta mãi mãi nhớ ơn Bác Hồ, Lãnh tụ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Say sưa kể về những kỷ niệm, ông hào hứng đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ chứa đựng muôn vàn tình cảm được ông sáng tác sau dịp về viếng Lăng Bác vào năm 1975: “Hơn 50 năm con theo hình theo hình bóng Bác/Vượt đại dương bốn bề sóng nước/Để đi tìm chân lý cứu nước non”..., “Năm 75 con vào lăng viếng Bác/Vầng trán Bác mênh mông, đôi mắt Bác sáng ngời/Như suy nghĩ những điều gì ở lại”…
Tất cả những tư liệu, bài báo hay sưu tầm được về tư tưởng của Bác trên mọi lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, ngoại giao… ông Hồi đều tự tay ghi chép vào sổ, giữ gìn một cách cẩn thận. Đến nay, sau hơn 50 năm sưu tầm các tài liệu về Bác, ông đã có một “kho tàng” tư liệu về Bác với trên 4.000 cuốn sổ chép tay, hàng trăm bức ảnh, hàng nghìn cuốn sách, báo các loại.
Ông Nguyễn Hiền Lương, Bí thư Chi bộ tổ 10, phường Đồng Tâm cho biết: Việc làm của ông Hồi hết sức có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng, tình cảm của nhân dân các dân tộc Yên Bái với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Chúng tôi mong muốn việc làm của ông Hồi được lan tỏa sâu rộng hơn nữa để mọi người thấy đó là một trong những tấm gương, cùng phấn đấu và nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.
Với tình cảm tôn kính và sự biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Bác, hơn 50 năm qua, người cựu chiến binh Trần Đức Hồi vẫn ngày ngày miệt mài sưu tầm thêm nhiều tư liệu, sách, báo, ảnh về cuộc đời của Bác. Mỗi trang sách, mỗi bài báo, bức ảnh sưu tầm được về Bác Hồ đều thể hiện tình yêu và tâm huyết của ông đối với Bác, Người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Hơn thế, đó là những tài liệu có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Việc làm của người cựu chiến binh cao tuổi góp phần truyền cảm hứng giúp người dân và thế hệ trẻ ngày nay hiểu được giá trị của lịch sử, cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.