Tháng 12 năm 2007, tôi và phóng viên ảnh Lâm Khánh được giao nhiệm vụ thực hiện chùm bài kỷ niệm 35 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972). Khi ấy, tôi là biên tập viên của Phòng Thư ký tòa soạn, ngày ngày “đút chân vào gầm bàn” rà từng dòng, từng chữ trên những trang giấy đặc ký tự, đầu óc lúc nào cũng luẩn quẩn về trang x, trang y… nên khi có cơ hội trở lại với việc viết lách, tôi rất hào hứng. Và đó chính là cơ duyên để tôi được gặp một con người rất đặc biệt: Đại tá Đinh Thế Văn - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361).
Ngay từ khi tìm hiểu thông tin ở Tổng cục Chính trị, chúng tôi đã được nghe danh tiếng “nổi như cồn” của Tiểu đoàn 77 và người đứng đầu của tiểu đoàn trong những ngày khói lửa tháng 12/1972: Tiểu đoàn 77 đóng quân trên trận địa Chèm, là một trong hai đơn vị của Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất (04 pháo đài bay B52, trong đó 03 chiếc rơi tại chỗ) trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” nên được Nhà nước phong tặng là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; còn Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Mảnh xác máy bay B52 được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân chính là của chiếc B52 bị bộ đội Tiểu đoàn 77 quật ngã rạng sáng 19/12/1972. Và ông Đinh Thế Văn còn được nhắc với câu chuyện gây tò mò: Chỉ nặng chưa đầy 40 kg nhưng khi mới 16 tuổi, ông đã được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, để rồi trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 ngay khi ngoài 30 tuổi, tham gia một “Điện Biên Phủ” nữa trên bầu trời Thủ đô Hà Nội.
Chừng ấy thông tin đủ để tạo nên sự hào hứng của chúng tôi khi tìm đến nhà riêng của ông Đinh Thế Văn ở xã Đào Thục, huyện Đông Anh, Hà Nội. Chúng tôi phải hỏi đường mãi mới đến được Đào Thục nhưng đến đó rồi thì tìm được nhà ông một cách dễ dàng, nhờ độ nổi tiếng của chủ nhân. Nhân vật có “hai Điện Biên Phủ trong đời” của chúng tôi hóa ra rất giản dị, khác xa những điều người ta thường vẽ ra về các “võ quan” đã lập nên chiến tích hiển hách. Thời điểm đó, ông đã vào tuổi thất thập, dáng người gầy nhỏ và gương mặt hiền lành. Nếu đứng giữa đám đông, chắc ông Đinh Thế Văn chẳng khác gì những người nông dân Đào Thục chất phác khác, duy chỉ có đôi mắt tinh anh khác thường là chỉ dấu cho sự mẫn tiệp và từng trải. Khoảng cách (chủ nhà - khách mới gặp lần đầu) giữa chúng tôi như biến mất ngay khi vào câu chuyện “Đánh B52”.
Ông Đinh Thế Văn kể cho chúng tôi về Tiểu đoàn 77 và những ngày đơn vị của ông chiến đấu với B52 vào tháng 12/1972 hàng tiếng đồng hồ. Có lẽ ông không quên một chi tiết nào về những ngày hào hùng và ác liệt ấy, từ chuyện mày mò nghiên cứu rồi tìm ra “gót chân Asin” của gã khổng lồ B52, rồi chiến sĩ Đại đội 2 quên mình dập lửa cho một quả đạn tên lửa để bảo toàn vũ khí, chuyện trắc thủ Nghiêm Xuân Danh anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ… Có cảm giác như “Điện Biên Phủ trên không” và Tiểu đoàn 77 thân yêu đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt, không còn là câu chuyện quá khứ mà trở thành một phần con người ông Đinh Thế Văn; ông nhớ rõ cả hoàn cảnh, tính nết của từng chiến sĩ dưới quyền, kể chi tiết đến cả những diễn biến nhỏ trong một số thời điểm quan trọng.
Và khi ông kể chuyện, ngày 22/12/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và biểu dương “lính 77”, giữa mạch thông tin ào ạt, tôi chợt đứng tim khi nghe ông nói một cách bình thản: Tôi đã tính, lỡ máy bay địch ném bom vào tiểu đoàn đúng lúc Đại tướng đến thăm, thì tôi sẽ nằm đè lên trên, lấy thân mình bảo vệ người chỉ huy toàn quân. Chao ôi, chuyện sinh mệnh mà có thể quyết định một cách nhẹ nhàng đến thế sao!
Hồi ấy, tôi lúc nào cũng tâm niệm rằng phải khẩn trương trong mọi việc vì chỉ có nửa ngày để đi lấy thông tin, nửa ngày vẫn phải lo cho việc sản xuất báo nhưng hôm đó, thời gian trôi nhanh mà tôi không hay biết. Câu chuyện ông kể miên man đã cho tôi thấy tầm vóc thực sự của người cựu chiến binh này. Trong người đàn ông gầy nhỏ mang tên Đinh Thế Văn là lòng yêu nước nồng nàn, là tình cảm khắc cốt ghi tâm với những người từng chung chiến hào năm xưa và trí thông minh, sự dũng cảm đến độ hiếm có (sau này, đọc trên các báo bạn, tôi còn biết về một phương diện khác trong ông, đó là người nghệ sĩ giàu cả khả năng sáng tạo lẫn tâm huyết với nghệ thuật rối nước của quê hương Đào Thục). Trước những phẩm chất tinh thần cao đẹp lấp lánh phát lộ trong câu chuyện, tôi thấy xúc động lạ lùng và đó là cảm hứng để tôi viết bài báo “Quật cổ pháo đài bay” về Tiểu đoàn 77 và ông (bài đăng trên báo Tin tức số ngày 20/12/2007).
Ngoài cuộc gặp gỡ với ông Đinh Thế Văn, đợt tác nghiệp ấy còn cho tôi những phút giây giàu cảm xúc, những khoảnh khắc thực đáng nhớ khi được tiếp xúc với một số nhân vật khác đã góp công sức cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Đó là Thiếu tướng Trần Việt, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và phu nhân của ông - bà Nguyễn Thị Việt Nga, là Thượng tá Vũ Đình Rạng - người được đồng đội coi là người đầu tiên phóng tên lửa vào B52, ông Lương Hữu Sắc, người phụ trách Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không- Không quân… Trong bài báo kết thúc chùm bài kỷ niệm 35 năm “Điện Biên Phủ trên không”, tôi đã trân trọng đúc kết đó là “những trái tim như ngọc sáng ngời”.
Khi tôi còn làm báo, những người quen biết hay hỏi “Phóng viên được đi nhiều lắm nhỉ?” và tiếp theo thường là câu cảm thán “Thích thế!”.
Vâng, được đi nhiều đúng là một điều hay của nghề báo. Nhưng chỉ có thế là chưa đủ. Với tôi, điều hay nhất mà nghề làm báo nói chung, thời gian làm báo Tin Tức nói riêng, mang lại, chính là cơ hội được gặp gỡ nhiều con người với lắm hình nhiều vẻ trong cộng đồng của chúng ta. Và trong rất nhiều cuộc gặp ấy, tôi may mắn được diện kiến một số vẻ đẹp tâm hồn khiến mình lay động, mà ông Đinh Thế Văn, cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Anh hùng chính là nhân vật tiêu biểu.
Tháng 12 năm 2022, một lần nữa cả nước long trọng kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tôi lại được gián tiếp gặp ông trên nhiều trang báo mạng, trên truyền hình, biết thêm những điều mừng: Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2013 và nay ông vẫn tinh tường, khỏe mạnh khi kể lại chuyện xưa cho lớp trẻ; cộng đồng rối nước Đào Thục của ông có vở rối đặc sắc về chiến tích hạ gục B52. Ôn lại kỷ niệm về đợt tác nghiệp đáng nhớ ấy, tôi càng thấm thía giá trị của những hạnh ngộ trong đời làm báo, trân quý những cuộc gặp giúp người cầm bút bồi đắp tâm hồn.