Hiện tại sóng biển tiếp tục vỗ vào chân kè làm đất đá và từng mảng kè bị cuốn xuống nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thân kè. Bãi cát bồi phía ngoài kè, nơi hàng ngày người dân đánh bắt hải sản về neo đậu thuyền và buôn bán hải sản cũng bị mưa lũ cùng với sóng biển đã phá hủy.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết thêm: Tình trạng sạt lở kè biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với người dân đánh bắt, khai thác hải sản. UBND xã đã đề xuất với cấp trên cho phép thực hiện phương án kè rọ đá dưới chân kè để tránh bị xói lở thêm.
Tuyến kè biển xã Thịnh Lộc-Thạch Bằng có chiều dài hơn 7 km được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhằm bảo vệ khu vực dân cư xã Thịnh Lộc, Thạch Bằng.
Trong những ngày qua, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về cơ ở vật chất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, tại huyện Hương Khê nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, Cầu Tràn kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu bị xói lở, tuyến huyện lộ 6 qua xã Hương Minh hư hỏng, cầu dân sinh ở thôn 12 xã Hương Lâm bị trôi hoàn toàn, mố cầu Cây Vải xã Hương Lâm sạt lở nghiêm trọng.
Tại huyện Hương Sơn, đường hai đầu cầu Trốc Vạc xã Sơn Kim II bị lũ cuốn trôi, nhiều cầu dân sinh bị ngập và hư hỏng. Tại các huyện Vũ Quang, Thạch Hà, nhiều tuyến đường sạt lở và hư hỏng.
Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thống kê thiệt hại, từ đó có phương án phù hợp khắc phục sửa chữa, ổn định đời sống người dân, đảm nhu cầu đi lại, đánh bắt, khai thác hải sản.