Việc trả lại đất rừng xâm chiếm, người dân được hoán đổi đất thông qua dự án di dời và ổn định dân xâm canh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập để ổn định sinh sống.
Theo Quyết định số 3070, ngày 30/10/2009 của UBND tỉnh Bình Phước, sau gần 10 năm thực hiện đã hoán đổi cho 130 hộ với diện tích hơn 160 ha đất xâm canh trong vùng lõi của vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Theo đó, diện tích bị xâm canh được bà con hoán đổi trả lại cho vườn quốc gia được Ban quản lý vườn quốc gia trồng mới 80.700 cây rừng tự nhiên gồm gõ đỏ, giáng hương, cẩm lai, trôm, ươi... Đến nay, tổng diện tích trồng rừng bị dân xâm canh được phủ xanh trên 145 ha.
Cụ thể, gia đình nhà ông Điểu Quýt (trú tại thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) từng vào rừng xâm canh vườn Quốc gia Bù Gia Mập và sau khi thực hiện việc di dời và ổn định dân xâm canh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập theo Quyết định số 3070 của UBND tỉnh Bình Phước thì ông Quýt được hoán đổi hơn 1 ha đất sản xuất. Đến nay gia đình đã ổn định cuộc sống nhờ có đất sản xuất trồng tiêu, điều đã ổn định cuộc sống.
Theo đánh giá, dự án di dời và ổn định dân xâm canh nhằm mục đích thu hồi đất rừng bị dân xâm chiếm trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bình Phước là một trong địa phương bắt buộc phải đóng cửa rừng.
Nhằm bảo vệ rừng và đất lâm phần, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã giao khoán bảo vệ rừng cho 14 đơn vị nhận khoán; trong đó có 10 cộng đồng dân cư vùng đệm và 4 đồn biên phòng. Riêng đồn biên phòng Bình Phước có 3 đồn biên phòng Đắc Bô, Đắc Ka, Bù Gia Mập.
Những năm trước đây khi chưa có Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tình trạng chặt phá rừng và xâm chiến đất lâm phần tại đây diễn biến rất phức tạp, Bù Gia Mập từng là "điểm nóng" về nạn chặt phá rừng và xâm chiếm đất vườn quốc gia.
Hiện nay, người dân sinh sống ở khu vực cửa rừng đã không còn chặt phá cây rừng bừa bãi hay săn bắt thú nữa. Điều đáng mừng, mỗi khi phát hiện hành vi vi phạm lâm luật, bà con kịp thời thông báo ngay cho cơ quan chức năng biết để xử lý, ngăn chặn...
Theo ghi nhận, hầu hết người dân sinh sống trong các xã vùng đệm của Vườn quốc gia là những xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông với hơn 80% là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, chưa có nhận thức đầy đủ về việc bảo tồn đa dạng sinh học...
Vì vậy, thời gian qua, việc giáo dục nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm đã được các cơ quan chức năng hết sức coi trọng. Đến nay, các vụ vi phạm về khai thác lâm sản, săn bắn động vật hoang dã, xâm phạm đất rừng giảm rõ rệt.
Vườn nằm ở đoạn cuối của dãy Trường Sơn Nam, thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Phía Tây Bắc có suối Đắc Huýt là ranh giới giữa Việt Nam – Campuchia và tuyến đường vành đai biên giới dài khoảng 72km. Tổng diện tích Vườn quốc gia Bù Gia Mập đạt 25.926ha, chia thành 3 phân khu chính: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 18.163ha, phân khu phục hồi sinh thái là 7.663ha và phân khu hành chính dịch vụ là 100ha.
Đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập có giá trị cao, là nơi bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái và các nguồn gen quý hiếm của hệ động-thực vật rừng ẩm nhiệt đới thường xanh rụng lá, đặc trưng cho đới chuyển tiếp từ vùng cao đồi núi Tây Nguyên xuống vùng thấp Đông Nam Bộ.
Hệ thực vật đa dạng với 1.026 loài, thuộc 430 chi, 120 họ, gồm một số loài quý hiếm như: cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai vú, gõ đỏ, trầm hương, trà rừng, sao đen, giáng hương, lan hổ bì, lười ươi, cây bồ câu, kim giao, thủy tiên, chuỗi ngọc... Cùng với các loài nấm và phong lan rừng đẹp mắt.