Hàng quán đua "chặt đẹp" ngày Tết

Mở hàng sớm, nhiều quán ăn trên phố Kim Liên, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng… (Hà Nội) có giá cao gấp 2-3 lần ngày thường. Khách hàng biết bị chặt đẹp nhưng ít người đôi co vì “sợ xui cả năm”.


Đi chúc Tết về muộn, đói bụng, anh Tuấn và bạn gái đành tìm quán vỉa hè ăn tạm. Đi lòng vòng suốt từ Trần Nguyên Hãn- Ngô Quyền - Hàn Thuyên, về mãi tận Phạm Ngọc Thạch, anh mới tìm được quán bún phở trên vỉa hè. Ăn xong hai bát bún ngan, anh giật mình khi chủ quán hét với giá 100.000 đồng. “Tính ra mỗi bán bún lõng bõng nhiều nước, tý thịt nhưng lên tới 50.000 đồng. Tết nhất cái gì cũng đắt đỏ”, anh chia sẻ.


Vừa đi chùa cầu may về, tiện đường, vợ chồng chị Phương và hai con nhỏ gọi 4 bát phở trên khu phố cổ kèm theo một mấy cốc trà nóng. Ăn xong, chủ quán vui vẻ thông báo, mỗi bát phở 70.000 đồng, tính cả trà là vừa tròn 300.000 đồng. “Cái giá này đắt gấp 3 lần ngày thường. Nếu biết đắt đỏ thế này, chúng tôi đã đi cố về nhà ăn”, chị Phương than.



Một bán bún trong đêm mùng Một Tết được bán với giá 50.000 đồng.


Đầu năm mới, tại một số tuyến phố như Kim Liên mới, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Lương Bằng, khu vực quanh chùa, bệnh viện hàng quán đã bắt đầu rậm rịch mở. Bún riêu, bún ốc, bún ngan, phở, bánh cuốn là những món ăn quen thuộc đầu xuân mới và cũng được nhiều thực khách chọn lựa.


Ngày Tết, rất ít cửa hàng mở nên giá cả nhờ vậy cũng leo thang. Giá mỗi bát bún, phở dao động từ 50.000-70.000 đồng tùy khu vực, đắt gấp 2-3 lần ngày thường. Bánh cuốn cũng lên tới 30.000 đồng đến 40.000 đồng thay vì 15.000 một đĩa như thông lệ.


Không chỉ riêng hàng quán, tại một số địa điểm gửi xe tự phát xung quanh các chùa lớn như chùa Hà, Phúc Khánh, Trấn Quốc… giá cả cũng tăng chóng mặt. Đầu xuân, du khách đổ đi lễ chùa cầu may cũng là dịp các bãi gửi xe hốt bạc. Theo đó, mỗi vé gửi xe máy lên đến 20.000 - 35.000 đồng tùy địa điểm. Khách phải chen chúc nhau tìm chỗ gửi xe.


Chị Kim Ngọc (nhà ở phố Khâm Thiên) chia sẻ, ngày Tết nhất, giá cả tăng là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, chị Ngọc nhấn mạnh, mức tăng giá chỉ nên vừa phải. “Dịp đầu năm mới, biết mình bị chặt đẹp nhưng hầu như không ai muốn đôi co vì sợ xui cả năm”, chị Ngọc than.


Các hàng quán hầu như không thông báo tăng giá bán trong dịp Tết, ngoài trừ một số ít nhà hàng lớn. Tại một quán ăn lớn trên phố Huỳnh Thúc Kháng, chủ quán ghi rõ, giá bán sẽ tăng 20-30% so với thông thường và “mong quý khách thông cảm”. “Phải ghi rõ giá cả để thực khách không thắc mắc và tránh cho họ cảm giác bị lừa”, anh Nguyễn Đức Quân, một chủ cửa hàng ăn trên nói.


Chị Thu Oanh, bán phở trên phố Tôn Thất Tùng chia sẻ, chị mở hàng từ sáng mùng Một để lấy may. Tết năm nay thời tiết lạnh, sáng mùng Hai lại kèm theo mưa phùn lất phất nên quán rất vắng khách. Để bán hàng, chị phải dậy từ 4h sáng, ninh xương, đặt bếp, tất tả ngược xuôi dọn ghế. “Tết nhất, chỉ những trường hợp đi chơi, chúc Tết về muộn mới tranh thủ tạt vào quán. Cả ngày mùng Một và sáng mùng Hai, tôi mới chỉ bán được 30 bát, một con số quá ít so với ngày thường”, chị Oanh chia sẻ.


Theo chị Oanh, ngày Tết giá cả đắt hơn ngày thường là “lẽ dĩ nhiên, cả khách hàng cũng như chủ quán đều mặc định và chấp nhận”. “Các nguyên liệu đầu vào như rau củ quả, thịt đều tăng giá khi tiết trời trở lạnh. Dịp Tết đầu năm, khách hàng ăn hương hoa thưởng Tết, du xuân là chính chứ không mấy ai khó tính đòi hỏi như ngày thường”, chị Oanh nói.


Cũng theo chỉ Oanh, khoảng ngoài mùng 3 Tết, các hàng quán sẽ hoạt động buôn bán bình thường. Tuy nhiên, giá cả có thể sẽ tăng hơn đôi chút.


Theo vnexpress.net


 Đánh giày “chặt chém” khách
Đánh giày “chặt chém” khách

Gần đây, nhiều người dân ở khu vực Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm - Hà Nội) phản ánh khách qua đường, khách du lịch, nhất là người nước ngoài luôn bị đám thanh niên tuổi teen ở ngoại tỉnh về hành nghề đánh giày, nhưng “chặt chém” khách hàng vô tội vạ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN