Khi tai biến xảy ra, trách nhiệm lại đặt nặng lên vai người thầy thuốc. Trong khi đó, có những trường hợp tai biến nếu được kiểm soát ngay từ đầu vẫn có thể tránh được. Vấn đề đặt ra, để hạn chế được tai biến sản khoa, đây không chỉ là nỗ lực của riêng ngành y tế nói chung mà sự phối hợp chặt chẽ giữa sản phụ và các bác sĩ cũng đóng vai trò không kém quan trọng.
Ranh giới mong manh
Trong sản khoa, giữa sự sống và cái chết, giữa bình thường và tai biến rất mong manh. Bởi, chỉ cần một diễn biến nào đó xảy ra ngoài ý muốn, tiên lượng của bác sĩ cũng sẽ dẫn đến tai biến sản khoa và các tai biến này thường diễn ra rất nhanh. Cho nên, có những tai biến dù bác sĩ đã cố gắng, nhưng vẫn không tránh được những hậu quả nghiêm trọng cho bà mẹ và trẻ như: vỡ tử cung, thuyên tắc phổi, thuyên tắc phổi do nước ối…
Phẫu thuật điều trị bệnh lý sản khoa cho người bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
PGS.TS Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ sản Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bản thân tôi đã gặp 5 trường hợp sản phụ đang khỏe, đột nhiên nước ối bể ra, những thành phần trong nước ối như phân xu, các tế bào tóc da đi vào mạch máu của người mẹ, tuần hoàn dẫn lên phổi gây ra thuyên tắc phổi, người mẹ nhanh chóng bị tím ngắt. Các bác sĩ "trở tay" không kịp. Cũng có trường hợp, sản phụ mổ sinh, sau đó bị băng huyết, rối loạn đông máu rất nhanh dẫn đến tím tái…nhưng nhờ vẫn nằm trên bàn mổ có nhiều phương tiện hồi sức nên sau khi truyền máu, cấp cứu cả ngày sản phụ mới từ từ hồi tỉnh trở lại. Các trường hợp trên đều diễn ra ở những sản phụ rất khỏe mạnh. Đây là bệnh lý xuất hiện bất ngờ, hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm vì đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng sản phụ hay tạo ra những biến chứng cho thai nhi…. Do sản phụ lúc tới bệnh viện đang khỏe mạnh bất thình lình tử vong nên người nhà sẽ không khỏi bức xúc.”
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh Viện Từ Dũ cho biết, những tai biến khác như vỡ tử cung, băng huyết sau sinh cũng diễn ra rất nhanh, ảnh hưởng xấu đến sản phụ và thai nhi. Nhiều sản phụ bị vở tử cung ở vết mổ lấy thai (vết mổ trong lần sinh mổ trước) và khi được chuyển đến bệnh viện thì mọi việc đã quá muộn. Đây là tai biến có thể diễn ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thời kỳ mang thai, lại xảy ra rất nhanh và không có dấu hiệu báo trước. Do vậy, dù đã chuẩn bị trước nhưng khi ứng cứu cũng gặp nhiều khó khăn. Tai biến sản khoa do băng huyết sau sinh cũng vậy. Những ca băng huyết gây tử vong thường diễn ra đối với những sản phụ có phần mềm bị phù nề nhiều, sau sinh tự nhiên bị rách, "đờ" tử cung do tử cung co yếu khiến máu chảy rất nhiều và khó cầm máu; trong khi, không phải đơn vị y tế nào cũng đủ máu để truyền hay có đầy đủ phương tiện cũng như nguồn nhân lực để giải quyết triệt để.
Trước tình trạng các tai biến xuất hiện và diễn biến phức tạp, cách phòng ngừa tốt nhất đó là người nhà và sản phụ được cung cấp đầy thủ thông tin về thai kỳ thông qua việc khám thai. Tuy nhiên, đến nay việc khám thai định kỳ chưa thực sự được các sản phụ tuân thủ.
Những tai biến có thể phòng ngừa
Để hạn chế tối đa tai biến, các bệnh viện sản khoa đang cố gắng xây dựng, hoàn thiện các quy trình khám chữa bệnh nhằm đảm bảo tính mạng cho các sản phụ. Nhưng như thế không có nghĩa, tai biến giảm hay không, chỉ phụ thuộc vào sự thay đổi, tiến bộ của các cơ sở y tế. Việc sản phụ tuân thủ khám thai định kỳ để bác sĩ tiên lượng được cuộc chuyển dạ sẽ là cách hạn chế tai biến rất hiệu quả. Bởi, có những tai biến có thể phòng được, nếu phát hiện sớm.
Bác sĩ Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ sản Tp. Hồ Chí Minh cho biết thêm, trong thực tế, nhiều người có dấu hiệu “bất thường” nhưng vẫn nghĩ đó là bình thường, lúc đưa đến bệnh viện đã quá muộn. Thường gặp nhất là những người thấy bị phù mà không biết rằng họ có thể đối diện với hội chứng huyết áp cao trong thai kỳ. Có người bị nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt lại chủ quan cho rằng mình bị cảm gió thông thường, trong khi đây chính là biểu hiện cho nguy cơ tiềm ẩn sản giật. Sau sinh, nhiều sản phụ bị sốt lại nghĩ mình bị cúm hoặc căng sữa, nhưng thực tế là do nhiễm trùng sản dịch, nếu chậm trễ đưa đến bệnh viện có thể bị đe dọa đến tính mạng.
Rõ ràng, các nguyên nhân dẫn đến tử vong cho sản phụ, đa số có thể phòng được nhưng do thai phụ không đi khám để phát hiện bệnh sớm. Đặc biệt, trong những nguyên nhân trực tiếp gây nên tử vong cho sản phụ: băng huyết, vỡ tử cung, tiền sản giật-sản giật, nhiễm trùng hậu sản, thuyên tắc phổi… có những nguyên nhân có thể tránh được. Ví dụ muốn ngừa sản giật thì phải thường xuyên đi khám thai để khi bị cao huyết áp hay phù mặt. Các bác sĩ sẽ tìm cách chữa trị hoặc chấm dứt thai kỳ. Còn trường hợp vỡ tử cung tự nhiên, sau nhiều lần khám thai, nếu phát hiện sản phụ có nguy cơ không thể sinh tự nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định mổ nhằm tránh chuyển dạ kéo dài dẫn đến vỡ tử cung.
Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, mỗi sản phụ có cơ địa khác nhau, do đó diễn biến trong quá trình mang thai cũng rất khác nhau. Các sản phụ khi có thai nên đi khám thai theo định kỳ để các bác sĩ có những tiên lượng trước như sinh khó hay dễ, có nguy cơ tiền sản giật hay không?…. Việc mổ lấy thai cũng phải tùy trường hợp, chỉ khi không thể sinh tự nhiên hay chuyển dạ quá lâu, mới nên đề nghị mổ, bởi mổ lấy thai thường gây nên những biến chứng không mong muốn.
Hiện nay, ở một số cơ sở khám chữa bệnh thành lập các đơn vị khám và tư vấn tiền thai nhằm cung cấp cho những người sắp làm mẹ những kiến thức về sản khoa cũng như biết cách quản lý thai kỳ một cách tốt nhất. Theo TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, mô hình phòng khám tiền thai tại bệnh viện Từ Dũ trong những năm qua (từ năm 2010) đã chẩn đoán rất nhiều trường hợp bất thường trong thai kỳ, phát hiện những sản phụ tương lai có tiền sử cao huyết áp…. Nhờ đó, đã có những can thiệp phù hợp mang lại những kết quả tốt đẹp cho thai kỳ. Đây là mô hình đang được các bệnh viện quan tâm, đầu tư xây dựng nhưng để đạt hiệu quả cao, vẫn phụ thuộc vào ý thức của các sản phụ.
Lan Phương