Hạn chế di dịch cư tự do - Bài 1: Giữ chân đồng bào

Ngày 23/9/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, diện mạo vùng đồng bào dân tộc Mông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông, các nhà hoạch định chính sách vẫn còn rất nhiều băn khoăn, trăn trở.


Bài 1: Giữ chân đồng bào


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đồng bào dân tộc Mông hiện có khoảng 1,1 triệu người, sinh sống ở 55 tỉnh, thành trên cả nước. Do chủ yếu sống ở những vùng núi cao, điều kiện khó khăn, cách trở, nên đồng bào dân tộc Mông thường có tập quán di dịch cư tự do từ địa phương này sang địa phương khác. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác định canh định cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.


Hỗ trợ sản xuất


Tờ mờ sáng, cô gái dân tộc Mông Mùa Y Lủ đã chuẩn bị tinh tươm cho phiên chợ sớm. Từ nhà Lủ ở bản Na Cáng về trung tâm xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cũng dài bằng mấy mươi lần con dao quăng, nhưng nay không còn gập ghềnh, khúc khuỷu như trước do cách đây 3 mùa trăng, nhà nước đã mở đường vào tận bản của Lủ. Dù vẫn còn là đường đất, nhưng đã rộng và bằng phẳng hơn.


Hỗ trợ cây, con giống để đồng bào ổn định sản xuất.


Lủ nhớ thời điểm giáp hạt cách đây 5 năm. Cả bản Na Cáng với 63 hộ, gần 450 con người quay quắt trong cái oi bức giao mùa của thời tiết và sự róng riết của cái đói. Trời không thương nên lúa rẫy chẳng cho nhiều hạt. Không ở được nữa thì phải đi, nhiều người trong bản đã có ý định vào Tây Nguyên để “chạy đói”, trong đó có Lủ.

“Sản xuất ổn định, có thu nhập nên bà con không còn tư tưởng di cư đến các địa phương khác nữa. Đồng bào ngày càng tin tưởng vào chính quyền, quyết tâm đoàn kết để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới”.

Trưởng bản Na Cáng khẳng định.


Chưa đi thì Lủ nghe lời cô bạn tham gia một buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng ngô, trồng dong riềng do Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 và Đồn Biên phòng Na Ngoi, phối hợp tổ chức. Cả buổi tối hôm đó, Lủ cũng như nhiều người khác, ngẩn người trước những kiến thức canh tác mới. Giờ Lủ đã biết, cây quả cũng như con người, cần phải chăm bẵm cho nó thêm bắp, thêm hạt để nuôi sống mình.


Sau buổi tập huấn đó, Lủ bỏ hẳn ý định vào Tây Nguyên. Lủ đăng ký nhận hỗ trợ giống ngô để trồng. Lủ còn tham gia cùng cán bộ biên phòng, chính quyền địa phương vận động người thân, hàng xóm ở lại quê hương để phát triển kinh tế. Trong những lần tham gia tập huấn kỹ thuật canh tác, Lủ gặp và kết duyên cùng anh Vừ Bá Nhân, người xã Huồi Tụ. Nhân là đội viên của Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi (thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An). Cặp vợ chồng trẻ trở thành hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông ở Na Ngoi ổn định sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.


Ổn định cuộc sống


Trưởng bản Mùa Nhia Xa cho biết: “Na Cáng trước đây nghèo lắm, cuộc sống chỉ nhìn vào cái rẫy lúa, trời cho thì có ăn, trời không cho đành phải chịu. Mấy năm gần đây, được các cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 và Đồn Biên phòng Na Ngoi hướng dẫn kỹ thuật canh tác, mở rộng diện tích trồng ngô, khoai sọ, bí xanh, bí đỏ, gừng, dong riềng và phát triển đàn trâu bò, dê, lợn đen, gà đen nên cái bụng đã ấm hơn nhiều rồi, không còn lo đói như trước nữa”.


Ông Xa khoe: Na Cáng hiện có hơn 50 hộ đã xây dựng được nhà ở kiên cố, 57 hộ có xe gắn máy và 8 hộ đã sắm được máy xay xát. Điều làm Trưởng bản Mùa Nhia Xa tâm đắc nhất là những nương rẫy cây anh túc trước đây đã được thay thế bởi các nương ngô, rẫy khoai sọ xanh mướt. Cùng với đó, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn đã ưu tiên bố trí kịp thời các chương trình, dự án giúp bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông-lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như trồng chè tuyết shan, ngô lai... trên rẫy dốc, mở rộng và sử dụng hiệu quả diện tích ruộng nước, phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa, đặc sản lợn đen, gà đen... Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào dần ổn định, tình trạng di cư đến các vùng khác đã giảm xuống một cách đáng kể.



Bài và ảnh: Nguyễn Đức


Bài 2: Giảm nghèo bền vững

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN