Các bên thực hiện kí kết hợp tác phát triển hệ sinh thái văn hóa nông nghiệp.
Nội dung của chương trình hợp tác bao gồm: MEFAST cung cấp cho Mena Gourmet Market nguồn nông sản, thực phẩm theo yêu cầu; phối hợp tổ chức các tuần/tháng lễ hội đặc sản vùng miền kết nối với các địa phương và chủ thể OCOP, Hội quán, HTX; phối hợp tổ chức các buổi đào tạo về thương mại điện tử, livestream bán hàng; hỗ trợ đưa Mena Gourmet Market định vị hình ảnh đồng hành và gần gũi hơn đến các địa phương cũng như với bà con nông dân, chủ thể OCOP.
Trong khi đó, MENAS sẽ phân phối, tiêu thụ sản phẩm của MEFAST hoặc đầu mối đối tác do MEFAST đề xuất. Phối hợp cùng MEFAST trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm được chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý"...
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Vận hành MENAS cho biết, việc hai bên kí kết hợp tác là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình đưa nông sản chất lượng cao và đặc sản vùng, miền đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Sắp tới, sự kiện đầu tiên sẽ được tổ chức tại Bến Tre, nơi có 8 sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý như: sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh, cua biển, tôm càng xanh, chôm chôm, xoài tứ quý, gạo, nghêu.
"Chỉ dẫn địa lý” được cấp cho các sản phẩm mà danh tiếng của sản phẩm do điều kiện địa lý quyết định và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác trên bản đồ. Việt Nam hiện có hơn 120 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý, phần lớn là nông sản, thực phẩm.
Được biết, MENAS là đơn vị sở hữu hệ thống Mena Gourmet Market với không gian, cơ sở hạ tầng hiện đại, cùng hệ sinh thái đa dạng, có tiềm năng lớn trong việc phân phối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Còn MEFAST là đơn vị đã và đang triển khai một số dự án kết nối và hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHCN, tư vấn và đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch tại nhiều địa phương như: Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội…