Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hải Dương, Trưởng Đoàn giám sát. |
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương, Trưởng Đoàn giám sát: Việc quản lý trụ sở các cơ quan hành chính của Hải Dương tương đối tốt. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sự nghiệp vẫn cho thuê một phần trụ sở nhất là những đơn vị có trụ sở trên các tuyến đường lớn, khu vực đông dân cư. Các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cũng chưa tiến hành kiểm tra, thanh tra chuyên đề về công tác quản lý trụ sở. Nhiều trụ sở làm việc hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Việc quản lý nhà nước chưa chặt chẽ đã dẫn đến những bài học như vụ việc Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương vi phạm về quản lý đất đai, trụ sở và đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Việc xử lý, phát hiện sai phạm còn hạn chế; hầu hết chỉ tiến hành xử lý khi vụ việc đã được đưa ra công luận.
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót như việc quản lý trụ sở vẫn chủ yếu dựa trên giấy tờ, thiếu kiểm tra thực tế. Các cơ quan quản lý vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị về việc lập hồ sơ quản lý trụ sở; trình tự lập hồ sơ để cho thuê, liên doanh, liên kết. Hải Dương cũng chưa xây dựng định mức về đất đai, trụ sở cho hoạt động của các cơ quan. Nhiều đơn vị khi không có nhu cầu sử dụng trụ sở, đất đai nhưng không báo cáo kịp thời gây ra sự lãng phí đối với tài sản nhà nước...
Ông Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trả lời chất vấn của đoàn giám sát. |
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát kiến nghị: Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cần sớm hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; gắn việc phân cấp quản lý tài sản công với thủ trưởng các đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết điều chuyển, thu hồi đối với các trường hợp dôi dư, sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy định (như bỏ không, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết toàn bộ hoặc một phần khuôn viên không đúng quy định).
Tỉnh Hải Dương cần có hướng dẫn cụ thể đối với những đơn vị không sử dụng hết công năng trụ sở để lập Đề án công khai sử dụng tài sản công có hiệu quả, đúng quy định. Các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cũng cần dành một phần kinh phí cải tạo, sửa chữa các trụ sở cơ quan đã xuống cấp, dột nát. Ủy ban Nhân dân tỉnh sớm thẩm định, phê duyệt và bố trí kinh phí để thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức không thuộc đối tượng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn.
Quảng cảnh buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng đã tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát. Qua các ý kiến của Đoàn giám sát, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho các cơ quan tham mưu, hoàn thiện thủ tục, xây dựng quy chế quản lý trụ sở thời gian tới. Ông Vương Đức Sáng cũng thẳng thắn thừa nhận việc cho thuê trụ sở vẫn còn nhiều, việc quản lý của thủ trưởng các đơn vị còn lỏng lẻo, thiếu sâu sát. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương sẽ tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lại các trụ sở cơ quan và sẽ có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp. Hải Dương cũng sẽ tăng cường phân cấp để quản lý tốt hơn; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu cơ quan chức năng xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp các trụ sở cơ quan đã xuống cấp nghiêm trọng…
Theo Sở Tài chính Hải Dương, đến ngày 10/6, Sở mới nhận được báo cáo về công tác quản lý trụ sở của 20/43 đơn vị đầu mối; báo cáo chi tiết tình hình quản lý, sử dụng của 428 đơn vị trực thuộc. Trong đó, 64 đơn vị sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Hầu hết các đơn vị này đều chưa có Đề án được các cấp thẩm quyền phê duyệt, đề xuất tiếp tục được cho thuê, liên doanh, liên kết và các đơn vị đang khẩn trương xây dựng Đề án để trình trong thời gian sớm nhất.