Người dân đồng tình, phấn khởi
Tứ Kỳ là huyện đầu tiên của tỉnh Hải Dương tiến hành chi trả tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, vào ngày 30/4, các ngành chức năng huyện Tứ Kỳ phối hợp với chính quyền hai xã Ngọc Kỳ và Tân Kỳ đã chi trả tiền hỗ trợ 3 tháng cho người có công, người nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 630 triệu đồng.
Khoản hỗ trợ tuy không lớn nhưng đến đúng thời điểm nhiều người dân đang túng thiếu vì dịch đã giúp nhiều gia đình bớt gánh lo toan. Bà Nguyễn Thị Trần, ở thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ, 72 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, neo đơn là một trong những trường hợp đầu tiên được hưởng chính sách ưu đãi này. Bà Trần xúc động: “Trước khi có dịch, cuộc sống của tôi trông cả vào việc đi chợ bán rau. Dịch xảy ra, tôi phải nghỉ chợ, giá cả mọi thứ tăng lên, cuộc sống rất khó khăn. Tiền hỗ trợ của nhà nước đến đúng vào lúc giáp hạt đã giúp tôi thêm một khoản để đong gạo, mua thuốc. Tôi mừng lắm”.
Trong ngày 30/4, xã Ngọc Kỳ đã chi trả hỗ trợ cho 47 hộ nghèo, 151 hộ cận nghèo và 148 trường hợp bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 370 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Kỳ, trước khi chi trả, xã đã lập danh sách, thông báo trên loa phát thanh để nhân dân nắm được thông tin. Với những trường hợp đau yếu không thể tới nhận hỗ trợ tại ủy ban xã, cán bộ lao động - thương binh và xã hội tới nhà trao hỗ trợ tận tay.
Đến nay, Tứ Kỳ đã lập danh sách 4 nhóm đối tượng được chi trả hỗ trợ đợt 1 gồm 2.575 người có công và 1.301 người là thân nhân người có công; 1.342 hộ nghèo, 4.214 hộ cận nghèo và 6.780 đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện tại, huyện tiếp tục rà soát và tổng hợp danh sách các nhóm đối tượng còn lại thuộc diện được hưởng chính sách theo Nghị quyết 42/NQ-CP.
Theo ông Vũ Văn Hợp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ, sau 1 tuần thực hiện chi trả tại xã Tân Kỳ và Ngọc Kỳ, đến nay, huyện chưa nhận được ý kiến phản ánh việc chi sai, thiếu sót, gây khó khăn trong thực hiện chi trả. Nhân dân rất đồng tình, phấn khởi, cảm động khi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ.
Huyện Tứ Kỳ đã thành lập tổ công tác rà soát hồ sơ do một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm tổ trưởng, các thành viên gồm đại diện các ngành: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục thuế, Liên đoàn lao động huyện. “Một áp lực với địa phương là thời gian chi trả phải khẩn trương nhưng cũng phải đáp ứng công khai, minh bạch. Mặt khác, huyện cũng nhận thấy việc xác định đối tượng phi nông nghiệp rất khó vì nhiều trường hợp người lao động làm doanh nghiệp nhưng vẫn có ruộng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm nỗ lực tập trung thực hiện để rà soát kỹ, đảm bảo kinh phí hỗ trợ đến đúng đối tượng”, ông Vũ Văn Hợp khẳng định.
Nâng cao trách nhiệm của cán bộ trực tiếp thực hiện
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng, hộ nghèo và cận nghèo có tên trong danh sách được phê duyệt trước ngày 31/12/2019 sẽ được tỉnh tiến hành rà soát, lập danh sách xét duyệt để chi trả hỗ trợ trước. Ước tính, Hải Dương cần khoảng 236 tỷ đồng để hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng này và phấn đấu chi trả xong cho các nhóm này trước 15/5.
Thống kê sơ bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương, dự kiến toàn tỉnh có khoảng 131.000 người thuộc nhóm đối tượng lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh khó khăn; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Dự kiến kinh phí để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng này khoảng 168 tỷ đồng.
Theo nhận định của các địa phương, việc chi trả đối với các nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội tương đối nhanh và thuận lợi bởi căn cứ vào danh sách hưởng trợ cấp hàng tháng của các đối tượng. Tuy nhiên, việc chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác như lao động không có giao kết hợp đồng và bị mất việc, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ… sẽ là một thách thức với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương, các địa phương đang khẩn trương rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng; thận trọng và minh bạch là tiêu chí hàng đầu đặt ra với các ngành chức năng và các địa phương khi rà soát, tổng hợp.
Ông Vũ Hồng Khiêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương cho biết, việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là chủ trương lớn chưa từng có tiền lệ, nhóm đối tượng thụ hưởng hỗ trợ rất rộng nên Sở đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo coi trọng khâu lập danh sách, đảm bảo thật chuẩn xác các đối tượng đủ điều kiện, tránh trùng hưởng chế độ. Sau khi có danh sách, công khai niêm yết tại trụ sở ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, phát trên hệ thống đài truyền thanh các xã để nhân dân nắm được và kiểm tra. Xã tiếp thu và bổ sung để có bản danh sách chính thức, gửi lên huyện thẩm định. Tiếp đó, huyện mới trình tỉnh để có quyết định chi trả.
Tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã thành lập mỗi thôn, khu dân cư 1 tổ rà soát, lập danh sách đối tượng đươc hỗ trợ và làm việc với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” để tổng hợp, tránh trùng lặp hoặc thiếu sót.
Ông Vũ Hồng Khiêm nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện, nâng cao trách nhiệm của những đơn vị, cơ quan, nhất là những cán bộ công chức trực tiếp triển khai công việc này. Phải sâu sát và phải bám sát Nghị quyết 42/NQ-CP với tinh thần vừa kịp thời, vừa đảm bảo tính chính xác, tránh sai sót, tránh lợi dụng và trục lợi chế độ của Đảng và Nhà nước quan tâm những người gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra”.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cũng khẳng định với vai trò là cơ quan thường trực, chủ trì chính trong việc tham mưu, thực hiện, ngành sẽ theo dõi, đôn đốc, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở để báo cáo cấp trên chỉ đạo kịp thời tháo gỡ.