Chiều 10/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCoV của thành phố Hà Nội đã giao ban trực tuyến.
Lãnh đạo quận Ba Đình cho biết, hiện 8 người trên địa bàn quận đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV; quận đang tổ chức cách ly ở nơi cư trú 37 trường hợp, bao gồm cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài có biểu hiện sốt. Việc giám sát được quận giao cho y tế phường và tổ trưởng dân phố. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ giám sát được 18 tiếng/ 24 tiếng.
Trên địa bàn quận Cầu Giấy có 5.000 người nước ngoài, trong đó có 397 người Trung Quốc, lưu trú tại hơn 200 cơ sở. Đại diện quận Cầu Giấy cho biết, quận đang thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khử trùng. “Nếu phun khử trùng cho hơn 500 cơ quan đơn vị trên địa bàn, sẽ cần hơn 1,5 tỷ đồng”, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm đặt câu hỏi: Có những người thuộc đối tượng cách ly, nhưng họ không thuê khách sạn hạng sang đủ 14 ngày, nên các cơ sở lưu trú này đề nghị có hướng dẫn về chi phí cũng như chế độ ăn uống như thế nào cho những ngày cách ly?
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, các trường hợp cách ly tập trung của thành phố hiện được hưởng chế độ ăn theo tiêu chuẩn của chiến sĩ, là 57.000 đồng/người/ngày. Vấn đề đặt ra là có đưa trường hợp du khách như ở Hoàn Kiếm vào khu cách ly tập trung này không. Họ thuê khách sạn một ngày 200 USD thì xử lý thế nào?
Đối với khó khăn mà quận Hoàn Kiếm nêu, Sở Tài chính cho biết: Hiện không có quy định bố trí ngân sách để trả thêm tiền khách sạn cho những người thuộc diện cách ly. Về việc này, người thuộc diện cách ly nếu ở lại khách sạn phải tự chi trả, hoặc có thể xin chuyển về cơ sở y tế cách ly của thành phố.
Liên quan đến đề xuất của quận Hoàn Kiếm, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng các quận, huyện cần đàm phán hỗ trợ những người nước ngoài này về visa; trao đổi với cơ sở lưu trú hỗ trợ giảm chi phí cho những đối tượng cách ly; đồng thời xử lý nghiêm đối với những đối tượng không thực hiện nghiêm túc việc cách ly.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến 15 giờ ngày 10/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV; có 49/53 trường hợp giám sát tại bệnh viện và cộng đồng có kết quả âm tính với nCoV, 4 trường hợp còn lại chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ. Hiện đã có 1.471 trường hợp được cách ly y tế và theo dõi giám sát sức khỏe do có tiền sử đi từ hoặc đi qua vùng dịch về; còn 861 người phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe.
Ngành Y tế đã phối hợp với Công an thành phố bố trí khu vực cách ly cho những người là công dân Việt Nam đi về từ vùng dịch. Hiện tại Bệnh viện Công an Thành phố đang cách ly 10 người trở về từ Trung Quốc (không có trường hợp từ Hồ Bắc); Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan lên phương án bố trí bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh lan rộng với quy mô 600 giường, huy động 400 y bác sĩ.
Các đơn vị Y tế của Hà Nội có khả năng triển khai được 3.342 giường bệnh cách ly để điều trị cho người bệnh nhiễm nCoV.
Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhận định, mặc dù Hà Nội chưa ghi nhận ca dương tính với nCoV, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ca mắc từ những trường hợp trở về từ vùng dịch với đặc điểm lây lan nhanh của dịch bệnh do nCoV, không loại trừ khả năng dịch bùng phát và lan rộng khi có trường hợp mắc trên địa bàn. Do vậy, các quận huyện, ban ngành cần tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, bao vậy, khoanh vùng xử lý với mục tiêu không để xuất hiện ca bệnh thứ phát. Đặc biệt lưu ý có biện pháp xử lý cần thiết đối với những đối tượng không hợp tác trong việc cách ly. Sở Y tế, Sở Tài chính đề xuất các chế độ chính sách đối với những người đang thực hiện cách ly tại cơ sở lưu trú và tại bệnh viện.