Huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM của Hà Nội sau 8 năm nhìn lại
Cách đây 8 năm (ngày 28/10/2015), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đan Phượng là huyện NTM. Đây là huyện đầu tiên của Thủ đô Hà Nội đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2011 - 2015.
Nằm ở phía Tây sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội 20 km, vị trí địa lý thuận lợi của huyện Đan Phượng giúp địa phương có nhiều điều kiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập người dân, đóng góp không nhỏ vào xây dựng NTM. Khi chương trình xây dựng NTM của toàn thành phố còn nằm trên giấy, lãnh đạo huyện Đan Phượng đã trăn trở và quyết định chọn xã Song Phượng để xây dựng mô hình điểm.
Hiếm có địa phương nào quy hoạch và thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn với hệ thống đường giao thông, cụm công nghiệp làng nghề, công viên, khu sinh thái, trường học... bài bản và quy củ như Đan Phượng. Giờ đây, những con đường mới rộng thênh thang chạy từ trung tâm huyện về các xã Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Liên Hà... qua các cụm công nghiệp làng nghề như phản chiếu hình ảnh của một vùng ven đô ngày càng hiện đại.
Về xã Song Phượng hôm nay, không ai nhận ra vùng đất khó khăn ven sông những năm về trước, ai cũng ngỡ ngàng bởi những con đường bích họa sạch sẽ, nhiều cây xanh và hoa... Không chỉ thế, cuộc sống người dân nơi đây khá sung túc với những mô hình kinh tế phát triển.
Trong khi chờ cơ chế từ thành phố, Đan Phượng đã chủ động ứng vốn và vận động doanh nghiệp ứng trước vật tư (cát, sỏi, xi măng...) cho người dân làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, đường giao thông tại đây nhanh chóng hoàn thiện, tạo đà mạnh mẽ cho các xã chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Giai đoạn 2019 - 2021, Song Phượng huy động được hơn 76 tỷ đồng cho xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu. Đến thời điểm này, xã Song Phượng không còn nợ xây dựng cơ bản. Cả xã Song Phượng còn khoảng 100 ha đất nông nghiệp, đều đã chuyển sang trồng rau, hoa và cây ăn quả; không còn diện tích cấy lúa. Giá trị sản xuất mỗi hécta canh tác của xã đạt trên 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn phát triển kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế hiệu quả hình thành.
Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch xã Song Phượng cho biết, xã đang hướng đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, kết hợp đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ... với mục tiêu thiết thực hàng đầu là nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống người dân. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay không còn, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 80 triệu đồng.
Việc xây dựng xã điểm Song Phượng đáp ứng đầu đủ 19 tiêu chí về NTM sau khi hoàn thành đã được UBND huyện Đa Phượng nhân rộng kết quả tới nhiều xã khác như: Phương Đình, Thọ Xuân, Tân Lập, Đồng Tháp, Liên Trung, Trung Châu, Thượng Mỗ… và xác định xây dựng NTM kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại, gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường.
Đến nay, hạ tầng phục vụ các tiêu chí NTM đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, gắn với tiêu chí phát triển đô thị. Trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục dẫn đầu thành phố, với 54/58 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 33/58 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% các trạm y tế đạt chuẩn, tất cả các thôn cụm dân cư đều có vườn hoa, sân chơi được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời; hệ thống ao hồ, kênh, rãnh thoát nước được cải tạo đảm bảo vệ sinh môi trường...
Video và hình ảnh phóng viên ghi nhận mô hình NTM tại xã Song Phượng:
Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên năm 2022 đạt 98,56% (tăng 1,16% so với năm 2020); lao động qua đào tạo đạt 78% (tăng 4,25% so với năm 2020).
Đặc biệt, mô hình tiêu biểu "thôn thông minh" đã giúp huyện Đan Phượng có được 16 tổ công nghệ số cộng đồng ở các xã, thị trấn; 129 tổ công nghệ thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, với tổng số 1.015 thành viên phục vụ việc tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội của thôn, xã và tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn.
NTM chuyển mình trong “dòng chảy” 15 năm sáp nhập địa giới hành chính
Năm 2023 là tròn 15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII. Đây cũng là dấu mốc của các huyện ngoại thành Hà Nội khi thực hiện chương trình NTM với nhiều bứt phá.
Đi lên từ một huyện miền núi có nhiều khó khăn, đến nay, 30/30 xã của huyện Ba Vì đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, thu nhập bình quân/người chỉ đạt 21,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao, chiếm 15,1%.
Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, NTM đã làm "thay da đổi thịt" toàn diện. Hiện nay, huyện Ba Vì đã có 30/30 xã đạt chuẩn NTM và được đoàn thẩm định Trung ương tổ chức thẩm định hồ sơ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022.
Huyện cũng bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao. Hết năm 2022, huyện có 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Phú Phương, Tản Hồng, Sơn Đà và Vạn Thắng. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Phú Đông, Phong Vân, Minh Quang, Đông Quang và xã Tản Hồng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đời sống nông dân ở huyện miền núi duy nhất của Hà Nội được cải thiện và không ngừng nâng cao. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được người dân nắm bắt và thực hiện tốt. Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực 7 xã miền núi năm 2022 xuống còn 0,94% (với 177 hộ nghèo).
Đáng chú ý, huyện Ba Vì hiện có 138 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (riêng khu vực 7 xã miền núi chiếm 70% tổng số các sản phẩm được công nhận OCOP). Huyện hiện có 20 làng nghề được thành phố công nhận, trong đó khu vực miền núi có 16 làng nghề đạt 80% số làng nghề của toàn huyện, chủ yếu sản xuất sữa, chè, thuốc nam... Qua đó tạo nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Tương tự, sau 15 năm sáp nhập địa giới hành chính, sức mạnh của chương trình xây dựng NTM đã biến huyện Phú Xuyên, huyện khó khăn nằm ở ngoại thành Thủ đô vươn lên hoàn thành xây dựng 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm… bảo đảm kiên cố, khang trang. Bên cạnh đó, 100% tuyến đường trục chính giao thông nội đồng cũng được cứng hóa, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm hay phòng học bị dột nát. Huyện đã có 56/88 trường học đạt trường chuẩn quốc gia.
Trong phát triển nông nghiệp, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 9.060 ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.830 ha đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Qua đó đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Lúa chất lượng cao 400 ha, thủy sản 300 ha, rau an toàn xã Minh Tân 159 ha, rau cần Khai Thái 30 ha, bưởi thồ Bạch Hạ 40 ha…
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 55,93%, thương mại - dịch vụ 29,1%, nông lâm thủy sản 15,6%. Năm 2020, tổng thu ngân sách địa phương đạt 1.893,116 tỷ đồng (tăng 13,3 lần so với năm 2010).
Huyện Phú Xuyên cũng có 43 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống; 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đã thành lập được 3 cụm công nghiệp và đã khởi công xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Phú Túc.
Tiếp theo dòng chảy của hành trình 15 năm qua, huyện Chương Mỹ cũng đã có những bước bứt phá vượt bậc, đáng ghi nhận. Năm 2009, huyện Chương Mỹ vinh dự được Trung ương chọn xã Thụy Hương là một trong 11 xã điểm của cả nước xây dựng mô hình NTM. Đến nay, huyện có 30/30 xã đạt chuẩn NTM; được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022. Hết năm 2022, huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và năm 2023 huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt 6 xã chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt NTM kiểu mẫu.
Giờ đây, diện mạo nông thôn huyện Chương Mỹ đã đổi thay rõ rệt, với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Huyện có 189/208 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; có 14 khu thể thao xã, 124 khu thể thao thôn, tổ dân phố; góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân nhân rộng tại địa phương như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu bền vững; phong trào xây dựng các công trình, phần việc của thanh niên; phụ nữ duy trì các đoạn đường tự quản, đường nở hoa; đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện tích cực tham gia vệ sinh môi trường, làm những đoạn đường hoa, đường bích họa…
Điểm nhấn quan trọng trong 15 năm qua của Chương Mỹ là hệ thống giao thông, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã đã được Thành phố đầu tư nâng cấp, cải tạo như: Đường tỉnh lộ 419, đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Máng 7, đường Thanh Bình – Tân Tiến… Nhất là vào cuối năm 2022, TP Hà Nội đã khởi công Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 (đoạn Ba La – Xuân Mai), đáp ứng niềm mong mỏi của cán bộ, nhân dân huyện Chương Mỹ suốt nhiều năm qua.
Song song với giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp phục vụ đời sống nhân dân, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp chiếm 57,6%, dịch vụ 27,1%, nông nghiệp 15,3%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản đạt 17.490 tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch năm và tăng 12% so cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ đạt 8.790 tỷ đồng, bằng 101,6% kế hoạch, tăng 15,2% so cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt 4.836 tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch năm, tăng 5,9% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước của huyện đạt hơn 789,843 tỷ đồng… Điều này đã khẳng định được sức bật mạnh mẽ của huyện sau 15 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính.
Có thể khẳng định, bức tranh nông thôn của Thủ đô Hà Nội đã có sự thay đổi toàn diện, tích cực, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM đã thực sự đi vào cuộc sống, nhờ vào "ý Đảng lòng dân" thống nhất, đồng lòng. Đây cũng là đích đến cuối cùng của chương trình xây dựng NTM mà Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng.