Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến 10 giờ ngày 23/6, hơn 100 cây xanh đô thị đã bị gãy, đổ, thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên và Đại lộ Thăng Long...
Các loại cây bị gãy, đổ nhiều gồm Muồng, Phượng, Bằng lăng, Bàng lá nhỏ, Chiêu liêu; đường kính thân cây từ 10-30 cm. Sau khi phát hiện cây bị gãy đổ, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện cắt cành, thu dọn cành cây vương vãi, rơi trên đường để đảm bảo an toàn giao thông. Đến 10 giờ ngày 23/6, ghi nhận tại nhiều tuyến đường phố Thủ đô, các phương tiện lưu thông thuận lợi, không xảy ra ách tắc giao thông.
Đối với những cây bị đổ hoặc nghiêng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện trồng lại, gia cố chằng chống cẩn thận theo quy trình. Đại diện Công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đang huy động nhân lực, máy móc thu dọn những cành cây còn đang để tạm bên hè một số tuyến phố. Theo đó, Công ty sẽ thực hiện cắt nhỏ những cành cây gãy, sau đó sử dụng xe chuyên dụng đưa đến nơi quy định để làm phân bón. Cùng với đó, Công ty đang khẩn trương phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội dọn dẹp vệ sinh môi trường tại những khu vực cây xanh bị gãy đổ, phấn đấu hoàn thành trong ngày 23/6.
Liên quan đến vấn đề mưa dông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu, khu vực các quận nội thành trong ngày 22 và 23/6 có mưa dông, lốc, gió giật… lượng mưa phổ biến từ 40-70mm. Đặc biệt tại quận Cầu Giấy (điểm đo phố Hoa Bằng) lượng mưa đạt 105,8mm trong 65 phút.
Để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập, Công ty đã triển khai công tác ứng trực ngay khi dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu, thanh thải dòng chảy, yêu cầu các chủ đầu tư thi công có công trình ảnh hưởng trên hệ thống bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng khơi thông dòng chảy khi có mưa; vận hành các trạm bơm đầu mối, hầm chui như Yên Sở, Đồng Bông 1…, đồng thời mở các cửa phai kịp thời để đưa nước vào hồ nhằm hạ mực nước trên hệ thống, giữ mực nước toàn bộ hệ thống an toàn. Khi trời mưa, các đơn vị vận hành các trạm bơm di động, các phương tiện, thiết bị cơ giới, hướng dẫn, cảnh báo giao thông nhằm hạn chế tối đa mức độ và thời gian úng ngập.