“Hạ hỏa” quá tải bệnh viện

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2016.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh), đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về kết quả 1 năm thực hiện cũng như định hướng triển khai nhiệm vụ trên của ngành trong năm 2017. 


´Đến cuối năm 2016, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn diễn ra khá trầm trọng tại một số bệnh viện, có tới 4 bệnh nhân/giường như tại Bệnh viện K Hà Nội. Vậy trên thực tế, các giải pháp giảm quá tải có hiệu quả không, thưa Bộ trưởng?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt giải pháp như: Đẩy mạnh xây dựng mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện (từ 2012 - 2016, có 119 bệnh viện được xây mới; 1.839 khoa, phòng được xây mới, cải tạo), tăng cường  nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới thông qua  các Đề án bệnh viện vệ tinh; Phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình…

Kết quả thực tế cho thấy, trong năm 2016, tình trạng quá tải  bệnh viện thực sự đã được “hạ hỏa”, nhất là ở khu vực khám bệnh. Quy trình khám bệnh giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh.

Tại khu vực nội trú, tình trạng quá tải đang từng bước được khống chế. Đến nay, đã có tới 90% bệnh viện tuyến Trung ương (35/39 bệnh viện) đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường bệnh trong bệnh viện; tại Thành phố Hồ Chí Minh có tới 29/31 bệnh viện tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép. Tại tuyến Trung ương, có tới 80% số bệnh viện khẳng định cũng như qua theo dõi, giám sát không còn tình trạng người bệnh nằm ghép.


Hiện tại, nhiều dự án đang tiếp tục hoàn thiện và chuẩn bị xây dựng đề án như: Bệnh viện Da liễu TW, Khu điều trị của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhà 15 tầng BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Nhi Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 của Thành phố Hồ Chí Minh… Tôi tin rằng, khi các cơ sở này đi vào hoạt động, tình trạng quá tải bệnh viện sẽ được khắc phục, nhất là tại những chuyên khoa “nóng”, đông bệnh nhân như K, nhi, tim mạch…

´Bộ Y tế sẽ giám sát các bệnh viện như thế nào để người bệnh không phải nằm ghép cũng như không phải đóng các khoản tiền “khó nói” ngoài viện phí?

Ngành Y tế chủ trương thực hiện nghiêm, đầy đủ việc kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh giữa cơ sở y tế và cơ quan BHYT.  Công khai, minh bạch quyền lợi của người có thẻ BHYT để người dân biết và kiểm soát.

Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra giám sát hoạt động giảm quá tải tại các bệnh viện. Tiếp tục yêu cầu các bệnh viện xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, thời gian cam kết không nằm ghép; truyền thông để người bệnh và người dân cùng giám sát việc cam kết thực hiện của các bệnh viện, thông qua các kênh phản hồi thông tin đường dây nóng…

Cùng một số chuyên khoa như tim mạch, ung bướu… chuyên khoa nhi vẫn là “điểm nóng” quá tải cần tiếp tục chú trọng “hạ hỏa”. Ảnh: Phương Vy - TTXVN


´Thời gian qua, tại một số cơ sở y tế xảy ra những vụ việc đáng tiếc có sai sót y khoa, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Bộ Y tế sẽ có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa Bộ trưởng?

Tai biến y khoa có thể do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh như nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật (người bệnh, vị trí, phương pháp, sót dụng cụ), chẩn đoán sai/chậm; phác đồ/quy trình không cập nhật, do nhân viên y tế (nhân viên mới, tắc trách…)...; nhưng tai biến y khoa cũng có thể do xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.

Đối với các trường hợp mà các phương tiện truyền thông đề cập đến, Bộ Y tế đều khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm minh. Đơn cử, vụ mổ nhầm chân ngày 9/7/2016 tại BV Việt Đức, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật với bác sĩ Phan Văn Hậu, phẫu thuật viên chính cho người bệnh.

Để hạn chế những sai sót y khoa xảy ra, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng Thông tư hướng về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện, trong đó chú trọng việc thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo rủi ro sự cố bắt buộc và tự nguyện trong bệnh viện, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017. Xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; Xây dựng chuẩn chất lượng bệnh viện, các chuẩn chất lượng chuyên môn; Thiết lập Tổ chức chứng nhận chất lượng bệnh viện độc lập thực hiện việc đánh giá, giám sát, kiểm định chất lượng bệnh viện một cách khách quan và được chuẩn hóa; Đào tạo, tập huấn thay đổi văn hóa an toàn người bệnh, thay đổi tư duy xử phạt, quy lỗi cá nhân sang khuyến khích báo cáo tự nguyện; Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể mức bảo hiểm nhằm chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Phương Liên (ghi)
Nguy cơ lây nhiễm chéo khi bệnh viện quá tải
Nguy cơ lây nhiễm chéo khi bệnh viện quá tải

Bên cạnh những diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH), những dịch bệnh khác như tay chân miệng, bệnh hô hấp cũng gia tăng, khiến cho các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo đang là điều khiến các bệnh viện lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN