Bệnh nhi nhập viện tăng đột biến, bệnh viện quá tải

Trong những ngày gần đây, số trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM) tăng cao đột biến khiến các bệnh viện đều rơi vào tình trạng quá tải. Do thời tiết thay đổi thất thường nên đa số ca trẻ mắc bệnh về đường hô hấp.

 

Tất cả khu vực hành lang của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều chật kín bệnh nhi nằm điều trị.

 

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), hầu hết các khu vực hành lang, dưới chân cầu thang, khuôn viên bệnh viện... đều trở thành nơi nằm điều trị của bệnh nhi. Tình trạng này còn trầm trọng hơn ở khoa Hô hấp khi chật kín người nhà và bệnh nhi nằm ở hành lang. Khoa Hô hấp cũng đã dán thông báo không còn giường dịch vụ.


Chị Hoàng Thị Oanh (quê ở Vũng Tàu), ngồi quạt cho con ở ngoài hành lang khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi Đồng 1 than thở: “Cháu bị viêm phế quản nằm điều trị 5 ngày rồi mà vẫn chưa hết bệnh. Mấy ngày nay phòng bệnh lúc nào cũng chật cứng, mỗi giường có 6 - 7 trẻ nằm điều trị. Ở trong phòng nóng và ngột ngạt quá nên tôi phải đưa cháu ra ngoài hành lang nằm cho mát. Với thời tiết này người lớn còn muốn đổ bệnh, nói gì đến trẻ nhỏ”.


Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong những ngày qua, số bệnh nhi đến khám và nhập viện rất đông. Hiện có khoảng hơn 1.700 trẻ đang nằm điều trị nội trú, trong khi đó bệnh viện chỉ có khoảng 1.400 giường bệnh. Tình trạng quá tải này diễn ra ở các khoa như: Hô hấp, Nhiễm, Sơ sinh. Trong đó, tại khoa Hô hấp, số trẻ nhập viện tăng cao nhất. Hiện khoa có 100 giường bệnh nhưng sáng 22/10 có đến 332 bệnh nhi đang nằm điều trị nội trú. Bệnh viện đã phải huy động cả những khoa khác vốn ít bệnh hơn chia sẻ với khoa Hô hấp nhưng tình hình vẫn không được cải thiện là bao.


Bác sỹ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Tại khu vực phía Nam, bệnh hô hấp thường xuất hiện vào tháng 8 và đỉnh điểm là tháng 10 trong năm. Do đó các bậc phụ huynh cần hết sức giữ gìn vệ sinh và tăng cường sức đề kháng cho trẻ như: cung cấp đầy đủ các loại vitamin A, sắt, kẽm, chích ngừa cúm… Hiện nay số trẻ mắc các bệnh đến khám và điều trị liên quan đến đường hô hấp chiếm 70% số trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó 60% là trẻ đến từ các tỉnh. Số trẻ đang nằm điều trị đa số là mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản…”.


Theo bác sỹ Trần Anh Tuấn, phần lớn số bệnh nhi từ các tỉnh đến khám và điều trị đều có thể khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà các bậc phụ huynh vẫn muốn chuyển trẻ lên các bệnh viện tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải. Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã mở 4 phòng khám ngoài giờ vào ban đêm nhưng lượng bệnh nhân đến khám vào ban ngày cũng rất đông. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có đến hơn 7.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị.


Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, tình trạng quá tải tại khoa Hô hấp cũng diễn ra tương tự. Người nhà bệnh nhi tận dụng tất cả các khoảng trống của khoa Hô hấp để biến thành chỗ nằm điều trị. Theo phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhi Đồng 2), mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị hơn 7.000 bệnh nhi. Trong đó, các khoa có trẻ nhập viện nhiều là: khoa Hô hấp, khoa Sơ sinh… Hiện có gần 1.900 trẻ đang nằm điều trị tại bệnh viện này trong khi bệnh viện chỉ có khoảng 1.500 giường.


Bác sỹ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay đã có khoảng 38.000 trẻ khám và điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp. Để giải quyết chỗ nằm cho bệnh nhân, bệnh viện đã sử dụng cả những khoa có ít bệnh nhân như Tai mũi họng, Răng hàm mặt nhưng vẫn không thể giảm tải. Khoa Dịch vụ hô hấp phải tạm chuyển thành khoa Hô hấp thường vì bệnh nhân quá đông, bệnh viện không thể giải quyết cho mỗi bệnh nhi nằm một giường như trước.


Bác sỹ Trần Anh Tuấn khuyến cáo: “Rửa tay là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa tất cả các loại bệnh. Chúng ta cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những người bị cảm ho, đồng thời sử dụng máy lạnh và quạt đúng cách như nên để nhiệt độ từ 26-27OC, không nên để máy lạnh và quạt thổi trực tiếp vào người trẻ; không nên cho trẻ ở trong phòng máy lạnh liên tục từ 3 - 4 tiếng. Với biện pháp lâu dài, phải tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, nên cho trẻ bú sữa mẹ càng lâu thì sức đề kháng càng tốt và thực hiện các biện pháp tiêm chủng ngừa bệnh. Bên cạnh đó, cần phải giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng”.


Theo các bác sỹ, khi trẻ có các dấu hiệu như: ngủ li bì khó đánh thức, bỏ bú hoặc bú kém, co giật, khó thở… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. “Vào thời điểm này không chỉ trẻ nhỏ dễ mắc bệnh mà người lớn tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh như: hô hấp, cảm cúm, đau nhức cơ thể, đặc biệt là những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp” - bác sĩ Anh Tuấn cho biết. Chính vì thế, cần phải bổ sung các loại vitamin và chất dinh dưỡng, không nên để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột... để chủ động phòng bệnh.

 

Bài và ảnh: Đan Phương

 

Tất cả khu vực hành lang của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều chật kín bệnh nhi nằm điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN