Dịch bệnh vào mùa, bệnh viện quá tải

Trong khi dịch sốt xuất huyết (SXH) chưa có dấu hiệu lắng xuống, thì các dịch bệnh khác như hô hấp, tay chân miệng (TCM) bắt đầu gia tăng, khiến cho các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.


Bệnh nhân SXH nằm ngoài hành lang bệnh viện Nhi đồng 2.

Trước tình hình các loại dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, ngành y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân cần phải nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và cá nhân.

Bệnh nhi nằm chật cứng lối đi

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, ở các khoa hô hấp, SXH, TCM, bệnh nhi và người nhà nằm la liệt ở ngoài hành lang, bệnh nhi phải nằm ghép 2 - 3 người/giường. Chị Cao Thị Mến (quận Tân Phú), vừa đưa tay quạt cho đứa con đang nổi các chấm đỏ trên người, tại hành lang Khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa chia sẻ: “Bé bị TCM đã 5 ngày, giờ cũng đỡ sốt, chắc nay mai được xuất viện, nhưng ở trong phòng bệnh đông quá, một giường bệnh 2 - 3 người nằm rất ngột ngạt, nên tôi đưa bé nằm ngoài hành lang cho thoáng”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Bệnh TCM đang vào mùa, từ đầu năm đến nay số ca rất thấp, nhưng cách đây 2 tuần số ca tăng lên. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca TCM không phải quá cao, nhưng số ca nặng nhiều và dự báo có thể tăng.

Tương tự, tại Khoa Hô hấp, trong phòng bệnh và hành lang của khoa cũng chật ních, hầu hết các giường bệnh đều nằm ghép 2 - 3 bệnh nhi. Tuy chưa vào mùa dịch, nhưng tại hành lang Khoa Tiêu hóa, bệnh nhi cũng nằm chật lối đi. Tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Khuất Thị Thương (Bình Dương) chia sẻ: Mấy ngày trước bé bị SXH điều trị ở bệnh viện tỉnh không hết nên chuyển lên đây cũng được 2 ngày rồi. Do trong phòng bệnh hết giường nên bệnh viện bố trí cho một chiếc ghế xếp nằm ở ngoài hành lang. Nằm ở ngoài này, cây cỏ nhiều, buổi tối muỗi cũng nhiều lắm...

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Khoa khoa Dịch vụ 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Trong những ngày gần đây bệnh nhi nhập viện do các bệnh SXH, TCM, viêm hô hấp, hen suyễn... gia tăng, trong đó có nhiều bệnh nhi trở nặng phải nằm phòng cấp cứu. Hiện các trẻ mắc bệnh hô hấp nhiều do thời tiết thay đổi và do vào mùa tựu trường trẻ khóc nhiều, hoặc lây bệnh từ các trẻ khác.

Theo Trung tâm y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, bệnh TCM, trong tuần 38, có 274 ca nhập viện, tăng 46% so với số ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất. Trung bình mỗi ngày có 40 trường hợp TCM nhập viện. Tính đến hết tuần thứ 38, toàn thành phố có 5.091 trường hợp TCM nhập viện. Còn đối với bệnh SXH đến hết tuần thứ 38, toàn Thành phố có 9.357 ca SXH nhập viện, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tuần 38, toàn Thành phố đã có 592 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Ghi nhận có 95 phường xã có ca bệnh trong 4 tuần liên tục gần nhất... Hầu hết các ca bệnh tập trung trong những ổ dịch vừa và nhỏ.

Chủ động phòng bệnh

Bác sĩ Khanh cho biết, tới mùa tựu trường, trẻ đi học có khả năng bị lây bệnh từ các em khác, nên khi bé tới trường cần phải rửa tay ngay, sinh hoạt tại trường theo đúng quy định, về nhà cũng phải rửa tay. Nếu bé bị mắc bệnh thì cách ly ở nhà khoảng 10 ngày. Phụ huynh phải gọi báo để cô giáo vệ sinh ngay phòng học, tránh lây lan bé khác. Các trường phải thực hiện biện pháp vệ sinh thông thường và khi có mầm bệnh phải thực hiện đúng hướng dẫn của trung tâm y tế dự phòng để diệt mầm bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, nhằm chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh TCM, ngành y tế Thành phố đã triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện ngăn chặn sự lây lan ca bệnh, giám sát bệnh trong khu vực nhà trẻ - mẫu giáo. Từ đầu năm học mới, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện triển khai việc vệ sinh khử khuẩn môi trường của các trường mầm non và nhóm trẻ trên địa bàn. Ngành y tế cũng triển khai đồng loạt chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần liên tục trong 8 tuần, kể từ ngày 20/9 và phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các ổ dịch kéo dài. Các hoạt động kiểm soát điểm nguy cơ được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng điều tra dịch tễ, góp phần kiểm soát bệnh hiệu quả.

SXH và TCM hiện chưa có vắcxin dự phòng, để bảo vệ bản thân và gia đình trước những căn bệnh trên, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố khuyến cáo mỗi gia đình hãy dành 10 phút mỗi tuần để truy tìm và loại bỏ tất cả những vật có thể ứ đọng nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển; rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng cho bản thân và cho trẻ em; đồng thời hàng tuần vệ sinh đồ chơi, vật dụng và khu vực sinh hoạt của trẻ bằng xà phòng và chất tẩy rửa thông thường.

Còn để phòng tránh được các bệnh cho trẻ, bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh khuyến cáo: Phải vệ sinh cá nhân cho trẻ, chăm sóc mũi họng bằng nước muối sinh lý; cho trẻ bú mẹ đủ 6 tháng và cho trẻ ăn dặm để tăng sức đề kháng và trẻ không bị suy dinh dưỡng; tiêm phòng đầy đủ; cách ly trẻ khi trẻ đang bị bệnh; không tự ý cho trẻ sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, khi thấy trẻ sốt cao trong 2 ngày cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất, đồng thời tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn.
   
Đan Phương
Bệnh viện vệ tinh góp phần giảm quá tải
Bệnh viện vệ tinh góp phần giảm quá tải

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh (từ năm 2013 - 2015) mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh đang dần đi vào “guồng”, nhiều ca bệnh nặng đã được thực hiện thành công ở tuyến dưới, đội ngũ y bác sĩ được nâng cao chuyên môn, trang thiết bị được đầu tư hiện đại... “

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN