Giúp người dân thoát nghèo bền vững

Đầu năm 2015, TP Hồ Chí Minh đã có 4 quận “về đích” trước 1 năm trong “cuộc đua” thoát nghèo - giai đoạn 2014 - 2015. Đây là tín hiệu vui của Thành phố.

Chị Nguyễn Thị Út, ở quận Gò Vấp là gương điển hình cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ảnh: An Hiếu - TTXVN


Từ những câu chuyện làm ăn

Sau quận 5, quận 6 và Tân Bình, đầu năm 2015, quận 11 là địa phương tiếp theo vừa hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo giai đoạn 2014 - 2015. Đây có thể xem là một tín hiệu vui trong năm 2015, khẳng định  sau hơn 20 năm thực hiện chính sách thoát nghèo của Thành phố đang càng ngày càng phát huy hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, có một thực tế khi tiếp xúc với các hộ gia đình vừa thoát nghèo ở các địa phương này là không phải hộ gia đình nào cũng may mắn tạo được một công việc làm ăn ổn định, căn cơ nhờ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, cho dù đó là những công việc thông thường, lao động chân tay, sản xuất, gia công hàng thủ công hay buôn bán nhỏ. Những công việc mà có thể giúp cho họ có được thu nhập trên 16 triệu đồng/người/năm theo chuẩn hộ nghèo của Thành phố quy định trong giai đoạn thứ 4 (2014 - 2015) trong một thời gian nhất định, có thể không phải là chuyện quá khó, nhưng để duy trì ổn định theo hướng ngày càng tốt hơn, đòi hỏi người dân cần được tư vấn, hỗ trợ, theo sát trong từng mô hình làm ăn.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 

Nhiều người nghèo, hộ nghèo có thể thoát ra khỏi chuẩn nghèo thu nhập ở từng giai đoạn, vẫn còn gặp khó khăn và thiếu hụt ở các chiều nghèo khác. Tuy nhiên, do đã vượt khỏi chuẩn nghèo và chuẩn cận nghèo của thành phố nên họ không còn nằm trong diện được chính sách hỗ trợ để tiếp tục ổn định cuộc sống vì vậy những hộ này có nguy cơ tái nghèo cao. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nghiên cứu xây dựng dự án “Đánh giá sâu tình trạng nghèo đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” và dự án “Hỗ trợ giảm nghèo đa chiều tại khu vực thành thị” nhằm thu thập những thông tin sâu và toàn diện về thực trạng nghèo đa chiều đô thị, từ đó xây dựng và thử nghiệm đo lường nghèo đa chiều, xây dựng mô hình rà soát đối tượng nghèo và chính sách giảm nghèo, phục vụ lập và thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều và bền vững.

Chị Hà, một hộ dân vừa thoát nghèo ở quận 11 tâm sự, công việc của gia đình chị hiện nay là sản xuất hoa giấy. Mô hình làm ăn này hình thành khi chị được tham gia chương trình hỗ trợ vay vốn đối với hộ nghèo Thành phố. Từ 50 triệu đồng vốn vay, chị hình thành một cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng nhân công chủ yếu là người nhà và thời gian nhàn rỗi của những hộ xung quanh. Công việc này khá bận rộn vào những ngày giáp Tết do nhu cầu thị trường những ngày này lớn, vì vậy thu nhập cũng khá tốt. Tuy nhiên chị vẫn lo lắng, không biết ra Tết, thì nhu cầu có còn ổn định như vậy không và nguồn thu nhập có thể sẽ giảm. Một số hộ gia đình được vay vốn ở đây cũng cho biết thêm, không phải ai cũng có thể sử dụng lập một cơ sở nhỏ như chị Hà, nhiều hộ gia đình, khi có nguồn vốn vay, cũng chỉ có thể mua xe chạy xe ôm, kiếm ăn hàng ngày, còn việc tạo ra một công việc làm ổn định, một cơ sở sản xuất, kinh doanh không phải là chuyện đơn giản.

Đến việc thoát nghèo bền vững

Một chuyên gia kinh tế tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong giai đoạn vừa qua, tốc độ thoát nghèo của Thành phố khá nhanh, nhưng nhìn chung tỷ lệ hộ thoát nghèo nhờ việc đào tạo nghề vẫn còn ít mà chủ yếu các hộ gia đình nhờ được vay vốn nên mở ra các cơ sở làm ăn kiểu như xe bánh mì, chạy xe ôm, tiệm tạp hóa nhỏ… Đây chỉ là những phương kế làm ăn tạm thời, chưa phải là mô hình thoát nghèo bền vững, căn cơ. “Thành phố cần tăng cường đào tạo cho những hộ nghèo những ngành nghề, công việc làm ăn bền vững. Muốn vậy, cần khảo sát cụ thể và có chính sách phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hoặc tạo ra được những cơ sở làm ăn phù hợp với năng lực của những hộ nghèo được đào tạo, nhằm cung cấp cho họ những phương kế làm ăn lâu dài, ổn định”, chuyên gia này khẳng định.

Theo UBND Thành phố, tổng số hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống theo chuẩn hộ nghèo của Thành phố còn khoảng 47.684 hộ, chiếm tỷ lệ 2,4% hộ dân thành phố; tổng số hộ cận nghèo có thu nhập trên 16 - 21 triệu đồng/người/năm là 49.651 hộ, chiếm tỷ lệ 2,5%.

Kinh nghiệm thực tế của quận 11 cho thấy, cùng với việc lo vốn, quận còn giải quyết việc làm cho 312 lao động nghèo, đào tạo nghề cho 86 lao động nghèo, giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài 10 lao động nghèo và thực hiện hàng loạt các chính sách an sinh xã hội như cấp hơn 6.700 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho 958 học sinh thuộc diện hộ nghèo (hơn 332 triệu đồng) thậm chí trợ cấp, hỗ trợ mua gạo cho 900 lượt hộ (hơn 349 triệu đồng) hàng tháng, nhằm vừa ổn định cuộc sống ngắn hạn, vừa lo phương kế làm ăn dài hạn. Bà Trần Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 11 nhận định, thành công của quận 11 về công tác giảm nghèo có sự chung tay của hệ thống chính trị giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn. Để giữ vững kết quả giảm nghèo giai đoạn 2014 -2015, không để tái nghèo, quận sẽ tiếp tục tập trung hướng dẫn hộ cận nghèo các phương thức sản xuất, đi đôi với phát triển kinh tế thông qua các chính sách, biện pháp hỗ trợ cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ, gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm...


Lê Hiền

Nuôi bò sữa để thoát nghèo
Nuôi bò sữa để thoát nghèo

Vài năm trở lại đây, xã nông nghiệp Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) từng bước vươn lên phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò sữa. Phong trào nuôi bò sữa theo hình thức nông hộ đang là hướng đi giúp nhiều hộ dân, điển hình là các hộ Khmer nghèo tại địa phương này thoát nghèo nhanh chóng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN