Nhà thầu bỗng dưng “biến mất”
Bình Hưng là ấp cù lao, được bao bọc xung quanh là con sông Tiền và sông Cái Nhỏ. Đa số hộ dân nơi đây sống bằng nghề trồng cây ăn quả với nhiều loại cây như xoài, ổi, mít… nhưng chủ yếu là sầu riêng. Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng ở ấp Bình Hưng khoảng 100 ha; trong đó, hơn 65 ha đang cho quả. Để bảo vệ vườn cây ăn quả, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, UBND huyện Cao Lãnh đã thống nhất chủ trương xây dựng đường vành đai ấp Bình Hưng.
Theo quy mô thiết kế, đường vành đai ấp Bình Hưng dài hơn 7.400 m được cán đá láng nhựa, nền rộng 4,5m, mặt đường rộng 3,5m, tải trọng 5 tấn do Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cao Lãnh làm chủ đầu tư với tổng mức vốn gần 14 tỷ đồng. Trong số đó, gói thầu xây lắp số 01 là xây dựng nền và mặt đường do Liên danh Công ty TNHH Thuận Thủy - Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông Đồng Tháp trúng thầu thi công với giá trị trúng thầu sau thuế (giá trị hợp đồng) là hơn 10,2 tỷ đồng.
Hạng mục xây dựng nền và mặt đường đã khởi công vào tháng 5/2022 và dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2023. Tuy nhiên đến tháng 8/2023, trong số hơn 7.400 m tổng chiều dài công trình, nhà thầu đã đào lòng và đắp cát khoảng 3.945 m, thi công lớp đá 0x4 được 3.711 m, thi công lớp đá 4x6 được 2.800 m và còn gần 3.540 m chưa thực hiện. Công ty TNHH Thuận Thủy đã được thanh toán khối lượng hoàn thành hơn 2,7 tỷ đồng và tạm ứng trên 1,3 tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cao Lãnh Trần Văn Hưng, từ chiều 3/8/2023, công trình đột ngột dừng thi công không có lý do. Nhà thầu tự ý di dời thiết bị thi công và công nhân ra khỏi công trường. Tại công trường, có nhiều chủ cửa hàng vật liệu xây dựng đến tìm nhà thầu để thanh toán tiền. Công trình hiện đang dở dang gây khó khăn việc đi lại của người dân, nước lũ có nguy cơ tràn qua bờ bao đang đào và cống đang thi công dở dang.
Ngay khi nhà thầu dừng thi công không có lý do, chủ đầu tư đã liên hệ với chính quyền địa phương phối hợp giữ an ninh trật tự khu vực, đảo đảm an toàn giao thông; nhanh chóng liên hệ qua điện thoại với nhà thầu nhưng không liên lạc được; phát hành thư mời theo địa chỉ nhà thầu nhưng Giám đốc không đến; cử viên chức đến tận trụ sở Công ty TNHH Thuận Thủy liên hệ nhưng công ty đóng cửa không hoạt động. Theo chỉ huy trưởng công trình đường vành đai ấp Bình Hưng, việc tạm ngưng thi công do Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thủy không có mặt tại trụ sở công ty kể từ ngày 3/8/2023 không rõ lý do và không liên lạc được.
Người dân chịu khổ
Nhiều người dân ở ấp Bình Hưng rất bức xúc vì công trình đường vành đai thi công chậm tiến độ, giờ đây, lại bị bỏ dở dang. Có những đoạn, đơn vị thi công đã đào lòng đường sâu hơn 2 m, chừa mỗi bên một bờ đất rộng trên dưới 1 m nhưng chậm bơm cát vào, gây ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của khoảng 500 hộ dân trong ấp Bình Hưng. Bà con chỉ có thể đi bộ, xe 2 bánh cũng không thể lưu thông.
Anh Mai Văn Là ở ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh cho rằng, tuyến đường này thi công quá chậm, đoạn đường ngay nhà anh đã múc lòng khá sâu, chỉ còn con đường đất nhỏ nên dù đi bộ cũng rất khó khăn, nhất là những ngày mưa. Anh Là và đa số người dân trong khu vực sống bằng nghề trồng cây ăn quả. Khi thu hoạch, phải tốn nhiều chi phí, công sức khiêng vác trái cây một đoạn xa để đến xe chở hàng.
Trước tình hình đường thi công dở dang, trong khi mùa lũ đang về, bà Đặng Thị Ẩn ngụ ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh rất lo lắng cho vườn sầu riêng hơn 8.000 m2 chuẩn bị cho trái đợt đầu tiên bởi có những đoạn bờ đất mỏng manh lại đang bị sạt lở, bà sợ không trụ nổi qua mùa nước.
“Tôi rất lo, con nước đầu tháng 8 âm lịch, nước lũ sẽ lên cao. Nếu không có giải pháp xử lý thì những đoạn bờ đất yếu có thể bị vỡ, nước tràn vào, ngập vườn sầu riêng, thiệt hại nặng nề” - bà Đặng Thị Ẩn cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Huỳnh Tuấn Hiệp cho biết, UBND xã đã phối hợp Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cao Lãnh đến khảo sát thực tế tình hình đường vành đai ấp Bình Hưng. Trước mắt, để giữ vững chân đường trong mùa lũ, tránh sạt lở, bảo vệ vườn cây ăn quả, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai bơm cát vào lấp đầy những đoạn đã múc lòng đường trước đây.
Theo Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cao Lãnh, trước tình hình phát sinh tại công trình đường ấp Bình Hưng, đơn vị đã thực hiện biện pháp đảm bảo chống nước tràn qua đoạn thi công dở dang; tiếp tục liên hệ với nhà thầu để giải quyết các hậu quả và xác định khối lượng thực hiện dở dang trên công trường. Nếu không liên hệ được với nhà thầu - Công ty TNHH Thuận Thủy, sẽ thực hiện các thủ tục đo đạc ghi nhận xác định khối lượng thực tế nhà thầu đã thực hiện với sự chứng kiến của địa phương và đề xuất UBND huyện Cao Lãnh cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cao Lãnh sẽ thu hồi số tiền tạm ứng hợp đồng đối với Công ty TNHH Thuận Thủy; làm việc với Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Đồng Tháp về trách nhiệm thành viên đã liên danh và đề xuất UBND huyện Cao Lãnh cho công ty này thay thế nhà thầu vi phạm để tiếp tục thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu.