Dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn 4 tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 17/6.
Dự án có tổng chiều dài tuyến 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, sẽ cơ bản hoàn thành một số tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, phạm vi thực hiện trải dài qua 4 địa phương gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. UBND tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 1 với chiều dài 57 km.
Đoạn qua địa phận tỉnh An Giang là 56,4 km, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ là 0,6 km, tổng mức đầu tư là 13.526 tỷ đồng. UBND tỉnh An Giang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư.
Đây là lần đầu tiên tỉnh An Giang được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách. Sau lễ khởi công, tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện dự án thành phần 1 hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo quy định; góp phần đưa dự án thành phần 1 vào khai thác đồng bộ với các dự án thành phần 2, 3 và 4, đảm bảo phát huy hiệu quả mục tiêu đầu tư.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về việc bố trí cát san lấp cho dự án thành phần 1, ngày 18/5/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có văn bản số 1633/STNMT-KSN&BĐKH thông tin đến Ban Quản lý dự án về tên đơn vị, vị trí khu vực mỏ, dự án chỉnh trị, thời gian và khối lượng cát san lấp bố trí cho dự án đoạn qua địa bàn An Giang.
Theo đó, có 6 mỏ cát sông trên khu vực sông Tiền, sông Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép cho 5 doanh nghiệp khai thác cung cấp cho dự án thành phần 1 gần 3,2 triệu m3 cát. Trong số đó, Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Hải Toàn khai thác cung cấp cho dự án 300.000 m3, Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang khai thác 2 mỏ cung cấp 750.000 m3, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 cung cấp hơn 1,22 triệu m3, Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng cung cấp 450.000 m3 và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thủ Tuyền cung cấp 450.000 m3.
Để cung cấp cát cho dự án thành phần 1, có 6 đơn vị nạo vét chỉnh trị dòng chảy cung cấp 4,65 triệu m3 cát cho dự án. Ngoài ra, hiện có 2 khu vực thuộc dự án chỉnh trị hạ lưu Mỹ Hoà Hưng (thành phố Long Xuyên) và khu vực mỏ cát trên sông Tiền (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) chưa thăm dò, khai thác, nhưng dự kiến cung cấp cho dự án thành phần 1 là 1,5 triệu m3 cát.
Tuy nhiên, trong 6 mỏ cát sông cung cấp cho dự án thành phần 1 gần 3,2 triệu m3 cát, hiện 3 mỏ cát do Công ty Hải Toàn và Công ty Tân Lê Quang khai thác hơn 1 triệu m3 cát đã bị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm. Riêng mỏ cát do Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác cũng xảy ra sai phạm khi vượt trữ lượng cấp phép và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án và 18 bị can.
Kết quả điều tra xác định, Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,5 triệu m3 cát. Tuy nhiên công ty đã tổ chức khai thác 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, hiện gói thầu xây lấp đầu tiên của dự án từ Km0 +314 đến Km17+240 đơn vị thi công cơ bản hoàn thành đắp bờ, bóc đất hữu cơ. Hàng chục công nhân, máy móc trên công trường vẫn đang ngóng chờ nguồn cát về công trường để đắp nền đường cho dự án. Trong khi đó, 3 gói thầu còn lại của dự án qua địa bàn An Giang sẽ được ký hợp đồng thi công vào ngày 30/8.
Theo ông Du, hiện mỏ cát trên sông Tiền do Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác theo kế hoạch phân bổ cho dự án 1,2 triệu m3. Tuy nhiên, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định phía Trung Hậu đã khai thác vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3. Nên không chắc chắn mỏ cát này hiện còn đủ cung cấp cho dự án như kế hoạch ban đầu hay không.
Hiện Ban quản lý dự án cũng đã kiến nghị các cơ quan chuyên môn cần đo đạc, đánh giá lại trữ lượng cát tại mỏ cát do Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 khai thác để cung cấp cho dự án cao tốc. Nếu trữ lượng mỏ cát sau khi đo đạt còn đúng với trữ lượng cung cấp như cam kết sẽ thuận lợi cho dự án triển khai thi công. Nếu trữ lượng cát cạn kiệt thì dự án sẽ gặp không ít khó khăn khi thiếu nguồn cát đắp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu và tiến độ chung của toàn dự án.
Để đảm bảo điều kiện pháp lý trong việc cung cấp, mua cát san lấp phục vụ cho dự án và triển khai thi công đáp ứng yêu cầu tiến độ theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, hiện Ban Quản lý dự án đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến về số lượng mỏ cát và trữ lượng cung cấp theo Văn bản số 1633 của Sở Tài nguyên Môi trường đến thời điểm hiện nay có đảm bảo tính pháp lý để cung cấp cát cho dự án cao tốc thành phần 1 không.
Đồng thời, Ban Quản lý dự án cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép mời các chủ mỏ cát còn đầy đủ tính pháp lý để ký hợp đồng mua cát đẩy nhanh tiến độ thi công dự án theo đúng tiến độ cam kết.