Nguy cơ tai nạn
Chị Nguyễn Thu Hà, nhà sát đường tàu trên phố Lê Duẩn (Hà Nội) chia sẻ:: “Sống ở cạnh đường sắt lâu rồi nên đã quen, nhưng mỗi khi có tàu chạy qua, dù bận đến mấy, tôi cũng phải bỏ việc, “mắt trước, mắt sau” hò hét hai đứa con ngồi im trong nhà, đợi tàu đi qua, mới được ra…”. Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua phố Lê Duẩn, xuyên qua hai dãy nhà khu dân cư chỉ cách đường sắt chưa đầy 2 m mỗi bên hiện nay luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân ở đây. Cả đoạn phố dài chưa đầy 1.000 m, nhưng có gần chục lối đường ngang dân sinh qua đường sắt. Cứ đến giờ tàu chạy, người dân sống hai bên đường sắt lại “nhớn nhác” như chạy loạn…
Tại ga Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vào buổi sáng, phóng viên ghi nhận, khá nhiều ô tô, xe máy, xe buýt, người đi bộ... băng qua đường ngang tại Km 15+210 tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển. Thậm chí, ngay đầu đường ngang là bãi đỗ xe taxi vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Những lúc tàu đến, nhà ga phải đóng chắn để đón tiễn, dồn tàu, phương tiện đường bộ bị dồn ứ hai đầu đường. Nhiều người tìm cách len lỏi băng qua đường sắt rất nguy hiểm.
Các đường ngang qua đường sắt ở Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. |
Hiện nay, tại Hà Nội, bình quân cứ 400 m đường sắt có 1 đường ngang, chỉ 15 km đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội - Thanh Trì đã có trên 270 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Đáng lo ngại là số đường ngang này đều không có gác chắn, biển cảnh báo. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi khác nữa. Chẳng hạn, từ Km 83 - 89 trên tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng chạy qua huyện An Dương (Hải Phòng) hiện tồn tại hơn 40 đường ngang, chủ yếu là đường ngang dân sinh. Chỉ có vài đường ngang có cảnh báo tự động hoặc có người gác. Đây là khu vực có nguy cơ mất ATGT đường sắt cao, do lưu lượng người và phương tiện đi qua nút giao cắt đường bộ - đường sắt lớn. Hay tại Km 69 qua huyện Kim Thành (Hải Dương), gần như trước mỗi cửa nhà là một đường dân sinh được tự mở sơ sài qua đường sắt, từ lâu vị trí này đã trở thành “điểm đen” vi phạm ATGT đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thường trực…
Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy: Trên các tuyến đường sắt đang tồn tại khoảng 5.800 vị trí giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Điều này đồng nghĩa với việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an toàn chạy tàu. Trong số này chỉ có hơn 600 đường ngang có người gác, gần 350 đường ngang có cảnh báo tự động, khoảng 550 đường ngang có biển báo, còn lại là đường ngang dân sinh (chiếm trên 70%). Đáng nói, các đường ngang dân sinh đi qua khu vực đông dân cư nên thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm ATGT.
Địa phương cần vào cuộc
Theo Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Khương Thế Duy, vi phạm đường ngang qua đường sắt hiện nay điển hình nhất vẫn là lỗi không chấp hành tín hiệu đường sắt của người tham gia giao thông. Thậm chí, tại những điểm có người gác đã đóng chắn, nhưng nhiều người điều khiển xe gắn máy vẫn cố tình lao qua hay tại nhiều đường ngang có vạch kẻ dừng cho phương tiện đường bộ, nhưng các chủ các phương tiện cũng không chấp hành…
Do vậy, hầu hết nguyên nhân các vụ TNGT đường sắt đến nay được các cơ quan chức năng xác định do đường ngang dân sinh gây ra. Chỉ khi nào xóa hết được đường ngang dân sinh thì mới đẩy lùi được nguy cơ TNGT. Tuy nhiên, đến nay, để xóa được một đường ngang dân sinh là bài toán khó của ngành đường sắt, vì thiếu sự quyết liệt của các cơ quan chức năng và cả sự cố tình vi phạm của người dân ở địa phương.
Đại diện Ban ATGT các địa phương có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua đều nhận định: Cách duy nhất để xóa được đường ngang dân sinh là làm đường gom và hàng rào giữa đường sắt và đường bộ. Song, bài toán nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống đường gom hiện nay không biết lấy ở đâu?.
Phó Tổng giám đốc VNR Đoàn Duy Hoạch cho biết, VNR đã làm việc với 24 địa phương về quy chế phối hợp đảm bảo ATGT đường sắt và thống nhất không để phát sinh thêm đường ngang dân sinh. Nếu nơi nào phát sinh đường dân sinh, người đứng đầu địa phương và lãnh đạo đơn vị quản lý đường sắt sở tại sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và VNR. Bên cạnh đó, VNR đã thống kê cụ thể các đường ngang hợp pháp để quản lý.
Qua thực tế cho thấy, các tỉnh như Vĩnh Phúc, Lào Cai… phối hợp tốt với VNR trong đảm bảo ATGT, tổ chức người chốt gác tại các đường ngang có nguy cơ TNGT cao, rà soát lại toàn bộ các biển báo, bổ sung biển cảnh báo tại đường ngang dân sinh, chủ động xây dựng hàng rào hộ lan ngăn cách đường sắt - đường bộ…, do đó, TNGT được khống chế. Điều này cũng cho thấy sự vào cuộc của các địa phương trong việc chủ động xây dựng đường gom, đẩy mạnh tuyên truyền, xóa bỏ đường ngang dân sinh hiện nay rất cần thiết.
Sáng 13/4, tại đoạn đường sắt Bắc - Nam giao nhau với quốc lộ 21B, thuộc địa phận quận Hà Đông, Hà Nội; dù nhân viên đường sắt đã kéo barie, song hàng chục người đi xe máy vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua đường sắt ngay trước mũi tàu hỏa. Do người sang đường quá đông, nên rất nhiều người cùng xe máy đã mắc kẹt trên đường ray, gây ra tình trạng hỗn loạn và nguy hiểm. Nhân viên gác tàu đã buộc phải phát tín hiệu khẩn cấp để dừng đoàn tàu hỏa. Theo lãnh đạo Công ty quản lý đuờng sắt Hà Thái (phụ trách ga Hà Đông), rất may là đoàn tàu hỏa mang số hiệu D31E, chở hàng lưu thông hướng Bắc - Nam, đã nhận được tín hiệu dừng tàu khẩn cấp khi qua nút giao quốc lộ 32, đoạn Cầu Diễn; lái tàu đã kịp dừng tàu hỏa; nên không xảy ra tai nạn đáng tiếc. Cũng theo vị lãnh đạo này, phải một lúc sau, khi đường thông thoáng hơn, tàu mới có thể di chuyển vào ga Hà Đông. |