Phối hợp ngăn chặn tai nạn đường sắt

Từ đầu năm đến nay, tai nạn đường sắt gia tăng và diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền các địa phương và ngành đường sắt, nhất là trong việc quản lý đường ngang dân sinh.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Đường sắt chạy qua thành phố có 5 tuyến, với tổng chiều dài 160 km, trong đó 2 tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - Yên Viên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Đáng nói là Hà Nội hiện có gần 600 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, trong đó có tới 400 vị trí không rào chắn, cảnh báo. Vì vậy, tai nạn đường sắt những tháng đầu năm 2015 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính từ 16/11/2014 - 15/7/2015, thành phố đã xảy ra 16 vụ, làm 19 người chết, bị thương 8 người. So với cùng kỳ năm 2014, tai nạn đường sắt tăng 9 vụ, tăng 1 người chết và tăng 5 người bị thương.

Đường ngang dân sinh trong khu vực dân cư luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường sắt. Ảnh: Bộ GTVT


Nguyên nhân khiến tình hình tai nạn đường sắt diễn biến phức tạp theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đoàn Duy Hoạch là do sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý đường sắt và địa phương hiện nay khá “lỏng lẻo”. Lãnh đạo các quận, huyện của Hà Nội có đường sắt chạy qua cũng phản ánh là chưa có sự phối hợp tốt giữa ngành đường sắt và các địa phương. Đơn cử như quận Long Biên có tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, nhà dân san sát hai bên, nhưng kiến nghị của chính quyền về việc xây dựng đường gom tại các khu vực có dân cư từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết...

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cũng nhận định: Đường sắt hiện đi qua 34 tỉnh, thành phố, nên vai trò của các địa phương trong việc hạn chế tai nạn đường sắt đóng vai trò quan trọng. Các lối đi dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường sắt cao. Thời gian gần đây, tình trạng xe ô tô vi phạm hành lang an toàn đường sắt và gây tai nạn đường sắt diễn biến rất đáng lo ngại. Các địa phương cần đảm bảo an toàn, không để phát sinh các đường ngang, quy trách nhiệm cho cán bộ cấp cơ sở nếu để phát sinh đường ngang. Các địa phương cũng cần bố trí người cảnh giới đường ngang, ngành đường sắt có trách nhiệm tập huấn cho người cảnh giới. Khi địa phương vào cuộc cùng ngành đường sắt đảm bảo an toàn giao thông thì mới ngăn ngừa hiệu quả TNGT đường sắt.

Tại Vĩnh Phúc, địa phương có hơn 32 km đường sắt chạy qua, số lượng đường ngang cũng không nhiều, chỉ có khoảng 10 điểm đường ngang có gác, 6 điểm đường ngang cảnh báo bằng biển báo và 16 lối đi dân sinh, nhưng lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Ban An toàn giao thông, công an tỉnh thường xuyên phối hợp với VNR phân rõ trách nhiệm đảm bảo an toàn đường sắt. Ông Nguyễn Phúc Thọ, Phó giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Từ năm 2013 đến nay, công an tỉnh phối hợp với ngành đường sắt duy trì hoạt động tốt các điểm chốt gác chắn tàu, giải tỏa hành lang đường sắt hạn chế tầm nhìn, kiên quyết không để phát sinh lối đi dân sinh mới... Nhờ vậy, đến nay, tuyến đường sắt qua tỉnh chưa xảy ra trường hợp tai nạn đường sắt đáng tiếc nào.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, thống kê các điểm giao cắt, các vị trí vi phạm hành lang an toàn đường sắt và tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí đường ngang hợp pháp, quản lý chặt đối với 180 đường ngang dân sinh hiện có bằng hình thức cắm biển báo chỉ giới giao cắt đường bộ - đường sắt.

Ông Đoàn Duy Hoạch cho biết: Đến nay, VNR đã triển khai quy chế phối hợp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt với 24 địa phương có đường sắt đi qua, còn 10 tỉnh nữa sẽ thực hiện trong tháng 8/2015. Thực tế cho thấy, hai tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua đến nay đảm bảo an toàn đường sắt hiệu quả là do địa phương phối hợp tốt với ngành đường sắt trong việc tổ chức người chốt gác tại các đường ngang có nguy cơ TNGT cao, thường xuyên rà soát hệ thống biển báo, cảnh báo... Rõ ràng, khi địa phương vào cuộc, tình hình tai nạn giao thông đường sắt chắc chắn sẽ không trở thành vấn đề “nóng” như hiện nay.

Trao đổi vấn đề này, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải cho rằng: VNR cần có trách nhiệm phối hợp với các địa phương trong việc đảm bảo an toàn giao thông, không thể khoán trắng, phó mặc cho địa phương kiểm soát an toàn đường sắt; đồng thời cần ưu tiên bố trí kinh phí làm đường gom dân sinh hai bên tuyến đường sắt, nhằm giảm tai nạn.

Các chuyên gia giao thông cho rằng: Ngành đường sắt và các địa phương cần chủ động phối hợp để xử lý những vấn đề gây mất an toàn giao thông đường sắt, vì sự an toàn của người dân. Các cấp quận, huyện không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm với thành phố, còn các đơn vị của ngành đường sắt sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT.

Tiến Hiếu
Hiểm họa từ 6.000 đường ngang qua đường sắt
Hiểm họa từ 6.000 đường ngang qua đường sắt

Tai nạn xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt phần lớn do người tham gia giao thông không chấp hành đúng quy định khi vượt qua đường sắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN