Hiểm họa từ 6.000 đường ngang qua đường sắt

Tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt (đường ngang), nguyên nhân phần lớn do người tham gia giao thông không chấp hành đúng các quy định khi vượt qua đường sắt.

Đường ngang dân sinh giao cắt với QL5 không có rào chắn, chỉ có báo hiệu bằng đèn. Ảnh: Bộ GTVT


Nhức nhối


Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng ngày 10/3 tại đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động trên đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khiến lái tàu chết tại chỗ và ba người khác bị thương, đường sắt đứt mạch hơn 24 giờ, làm hàng chục chuyến tàu bị chậm chuyến, hủy chuyến, lịch trình của hàng vạn hành khách bị đảo lộn. Từ vụ tai nạn thương tâm này nhìn lại hệ thống đường ngang suốt dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam không khỏi lo âu.

Đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Bình Định dài gần 140 km, qua 31 xã của 5 huyện và TP Quy Nhơn. Lâu nay, tình trạng vi phạm, cơi nới công trình phụ trái phép trên hành lang an toàn đường sắt thuộc đoạn tuyến này diễn ra phổ biến, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tỉnh Quảng Nam hiện có tới 80 đường ngang dân sinh trái phép do người dân tự ý mở. Tại các vị trí này có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng bất cứ lúc nào.

Tại Hà Nội, bình quân cứ 400 m đường sắt có 1 đường ngang, chỉ 15 km đường sắt Bắc - Nam từ ga Hà Nội - Thanh Trì đã có trên 270 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Đáng lo ngại là số đường ngang này đều không có gác chắn, biển cảnh báo. Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), có tới 95% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các đường ngang. Việc địa phương “buông tay” quản lý đường ngang đang là nguyên nhân gián tiếp khiến tình trạng tai nạn diễn biến phức tạp.

Theo thống kê của VNR, đường sắt Bắc - Nam đang tồn tại khoảng 6.000 đường ngang dân sinh, trong đó có khoảng 4.200 đường ngang mở trái phép. Trong số các đường ngang có phép cũng chỉ số ít có người trực và rào chắn, còn lại cảnh báo tự động bằng biển hiệu, còi báo. Hai tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra 25 vụ TNGT đường sắt, làm chết 20 người, bị thương 6 người. Riêng 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, cả nước xảy ra 10 vụ TNGT đường sắt, làm chết 9 người.

Trách nhiệm chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đặt mục tiêu đến năm 2020 xử lý được 6.000 đường ngang này. Giai đoạn 2011 - 2015 tập trung cho tuyến đường sắt Bắc - Nam và giai đoạn 2016 -2020 sẽ tập trung cho tất cả các tuyến đường sắt trên cả nước. Số kinh phí dự tính cần để xóa bỏ các đường ngang hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý tại các địa phương dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Hệ quả là những vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng vẫn thường xuyên diễn ra.

Liên quan đến 4.200 đường ngang trái phép tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) Đoàn Duy Hoạch cho biết: Rất khó để đóng lại các đường ngang này. Ban ngày nhân viên đường sắt đóng thì đêm người dân lại mở. Dọc hành lang đường sắt Bắc - Nam, người dân sinh sống nhiều, nếu muốn đóng các điểm giao cắt thì phải mở đường gom tập trung cho người dân qua lại. Việc này liên quan đến kinh phí giải phóng mặt bằng và thuộc thẩm quyền các địa phương.


Lý giải việc nhiều năm qua vẫn chưa xử lý được tình trạng đường ngang dân sinh trái phép, ông Đoàn Duy Hoạch bày tỏ, ngành Đường sắt lực bất tòng tâm. Kinh phí để xử lý 6.000 điểm giao cắt đường ngang với đường sắt lớn và rất cần chính quyền các địa phương vào cuộc tuyên truyền, xử lý mạnh tay. Việc này cũng không thể giải quyết được ngay. VNR được nhà nước giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng không có chức năng xử lý vi phạm, trong khi các lực lượng chức năng không thể có mặt thường xuyên để xử lý kịp thời các vi phạm. Do đó, vai trò của chính quyền các địa phương hiện nay phải được đặt lên hàng đầu.

Trong khi việc thực hiện Quyết định 1856/TTg đến nay còn nhiều khó khăn, ngay sau vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng tại Quảng Trị ngày 10/3, Ủy ban ATGT Quốc gia đã gửi công văn tới các bộ, ngành liên quan và VNR yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT để ngăn chặn TNGT đường sắt và không để phát sinh đường ngang trái phép mới. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với VNR tăng cường giám sát việc thực hiện quy định ATGT đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang, hệ thống cảnh báo, bố trí cảnh giới, hướng dẫn quy tắc ATGT khi vượt đường sắt cho người tham gia giao thông, rà soát các đường ngang không người gác để cắm biển báo hiệu phù hợp.


Tiến Hiếu

5 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng gần đây
5 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng gần đây

Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN