Gắn trách nhiệm địa phương trong xử lý vi phạm đường ngang

Theo Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), nhiều địa phương có đường sắt đi qua đang cố tình “bật đèn xanh” cho vi phạm phát sinh, kéo dài gây ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu.

 

Một đường ngang dân sinh trên đường Lê Duẩn, Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

 

Tại tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, thuộc địa bàn TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), hành lang an toàn giao thông (ATGT) đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Từ Km 90+00 - Km 97+00 (với chiều dài 7 km), hàng cây xanh cao khoảng 1,2 m trở lên được trồng sát đường ray, cộng với thảm cỏ được trồng xen kẽ đến tận đầu tà vẹt bê tông của đường sắt. Thực tế, do che khuất tầm nhìn của lái tàu và người đi qua đường nên hàng cây này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đường sắt. Mới đây, tại Phú Thọ, Công ty Cổ phần Gốm sứ HACECO đã cho san đất, đổ nền trong phạm vi đất hành lang đường sắt khiến nhiều cột điện thông tin tín hiệu đường sắt bị gãy đổ, chạm chập dây và mất hoàn toàn tín hiệu tại khu gian Việt Trì - Lào Cai, ở vị trí Km 117+200 - Km 117+350...


Năm 2012, Hà Nội xóa bỏ được 21 đường ngang, cảnh giới 22 đường ngang, đã góp phần giảm 22% số vụ tai nạn so với năm trước. Hà Nam xóa bỏ được 32 đường ngang, cảnh giới được 6 đường ngang, số vụ tai nạn giảm 33% so với năm 2011… Ngược lại, một số địa phương như Thái Nguyên chưa tổ chức cảnh giới và chưa xóa bỏ được đường ngang dân sinh nào, nên năm 2012 đã tăng 100% số vụ tai nạn và số người thương vong. Quảng Ngãi mới xóa bỏ được 1 đường ngang, không cảnh giới được đường ngang nào, năm 2012 tăng 166% về số vụ và số người thương vong…

Tại Hà Nội, bình quân cứ 400 m đường sắt có 1 đường ngang, trong đó, chỉ 15 km đường sắt Bắc - Nam từ ga Hà Nội - Thanh Trì đã có trên 270 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Ngay cả trong số khoảng 1.500 đường ngang hợp pháp hiện nay trên cả nước, cũng có tới 86% không đủ điều kiện an toàn chạy tàu và đáng lo ngại nhất là số đường ngang này đều không hề có gác chắn, biển cảnh báo do các đơn vị chức năng địa phương quản lý. Thượng tá Trần Sơn, Phòng Hướng dẫn luật, điều tra và xử lý vi phạm (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - C67 - Bộ Công an) cho biết: Có tới 95% số vụ tai nạn đường sắt thời gian qua xảy ra tại các khu vực đường ngang và thường là đường dân sinh không có gác chắn.


Theo tìm hiểu của phóng viên, việc địa phương “buông tay” quản lý đường ngang hiện nay là nguyên nhân gián tiếp khiến tình trạng tai nạn đường sắt vẫn diễn biến phức tạp. Cục phó Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Văn Doanh cho biết: Trên thực tế, sự phối hợp giữa ngành đường sắt và Ban ATGT, chính quyền địa phương hiện vẫn có độ “vênh” do chênh lệch mục tiêu giữa hai bên, dẫn tới nhiều địa phương làm ngơ, chậm xử lý.


Tại “điểm đen” đường sắt đoạn qua xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (Hà Nội), ngành đường sắt đã làm hàng rào để ngăn người dân tự ý băng qua đường sắt, nhưng các hộ gia đình tại đây lại cưa hàng rào làm thành cửa sắt, khi nào cần đi thì mở ra, sau đó đóng lại, nhưng không hề bị địa phương xử lý.


Trên thực tế, ngành đường sắt đã nhiều lần cảnh báo về những “điểm đen” tai nạn tại một số đường ngang dân sinh, nhất là những đường ngang không có rào gác chắn. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm, thậm chí là cách chức Trưởng ban ATGT địa phương, nếu để xảy ra tai nạn liên tiếp.


Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Phạm Văn Bình khẳng định: Để đảm bảo tốt công tác trật tự ATGT đường sắt trên các đường ngang, thì sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua là hết sức cần thiết... Đến thời điểm này, mạng lưới đường sắt cả nước đang tồn tại gần 6.300 đường ngang, trong đó có khoảng 1.500 đường hợp pháp và 4.800 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được Nhà nước giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng không có chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đường sắt, trong khi các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra đường sắt không thể có mặt thường xuyên để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm dọc theo các tuyến đường sắt, với số đường ngang quá lớn như trên. Do đó, vai trò của chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt cần phải được đặt lên hàng đầu.


Bài và ảnh: Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN