Trước đó, ngày 30/7 do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm tuyến tỉnh lộ 445 bị sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 600m3, tại 2 điểm taluy dương từ lý trình 3+100 đến lý trình 3+200, mặt đường xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 100m, chiều rộng vết nứt lớn nhất lên đến khoảng 20cm; mặt đường có chỗ lún sâu hơn 40cm... Ngay khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 8 hộ dân (30 nhân khẩu) ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 7/9, tuyến tỉnh lộ 445 bị sạt lở nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thời điểm ngày 30/7. Những vết nứt trên mặt đường chiều rộng đã khoảng 30cm, mặt đường lún sâu gần 80cm, khối lượng đất đá tại 2 điểm sạt lở tiếp tục bị sụt lún xuống đường giao thông; những ngôi nhà nằm trong vùng nguy hiểm đã bị sập đổ.
Ông Nguyễn Đức Ngọc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Sơn, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Kỳ Sơn cho biết: Đây là điểm sạt lở rất nguy hiểm trên tuyến đường 445, nên lực lượng cảnh sát giao thông và công an xã thường xuyên canh gác, hướng dẫn người dân qua lại.
Đặc biệt là những ngày có mưa, lực lượng chức năng dựng rào chắn không cho các xe qua lại. Hiện nay, do thời tiết nắng ráo và nhu cầu đi lại của người dân rất cao, nên người dân xã Phú Cường, xã Hợp Thành tạm thời lấy các vật dụng như tre, bương làm cầu tạm để đi lại.
Liên quan đến việc sạt lở trên tỉnh lộ 445, thời gian gần đây xuất hiện thông tin cho rằng chính quyền địa phương không có động thái trong việc tái định cư cho các hộ phải di dời khỏi vùng nguy hiểm và di dời các phần mộ tại nghĩa trang xóm Máy Giấy.
Về vấn đề này ông Nguyễn Đức Ngọc khẳng định, thông tin trên hoàn toàn không chính xác. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng dân quân và công an hỗ trợ vận chuyển đồ đạc, tài sản, động viên người dân di dời khỏi vùng sạt lở nguy hiểm.
Hiện nay, các hộ dân đang ở tạm tại tập thể khu điều hành của Nhà máy Giấy, còn một số hộ dân tạm thời ở nhà người quen. Cuộc sống người dân tạm thời ổn định, đầy đủ về nhu cầu thiết yếu như điện, nước miễn phí. Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ dân 3 triệu đồng; đồng thời, khẩn trương lên kế hoạch tái định cư cho người dân, cũng như các phương án di dời các phần mộ tại nghĩa trang đến địa điểm an toàn.
Ông Phạm Đình Đề, Trưởng xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn cho biết: Trên địa bàn hầu hết người dân đồng tình ủng hộ chủ trương di dời của Đảng và Nhà nước. Chỉ có một hộ duy nhất là hộ chị Nguyễn Thị Mai có một số khúc mắc cần được giải quyết.
Trên thực tế chị Mai trước đây đã đồng ý ở tạm nhà người thân chờ chính quyền địa phương sắp xếp di dời đến khu tái định cư mới, nhưng do mâu thuẫn với gia đình ở nhờ nên đã tự ý bỏ về nhà cũ. Trước tình hình này, lãnh đạo xã, huyện cũng đang vận động, tuyên truyền để chị Mai di dời khỏi ngôi nhà trong vùng sạt lở, đến ở tạm tại tập thể khu điều hành của Nhà máy Giấy.
Về các phần mộ tại nghĩa trang xóm Máy Giấy nằm trên đồi tại các điểm sạt lở chưa được di dời, ông Nguyễn Đức Ngọc cho biết: Hiện nghĩa trang có trên 80 ngôi mộ, vừa qua đã di dời được một số ngôi mộ.
Nhưng do quan niệm tâm linh của người dân cho rằng tháng 7 âm lịch là tháng "cô hồn" nên không tiến hành các thủ tục di dời phần mộ người thân. Chính quyền địa phương đã có kế hoạch di dời các phần mộ tại nghĩa trang đến địa điểm mới (cách khoảng 1 km), chờ hết tháng 7 âm lịch sẽ tiếp tục vận động người dân di dời các phần mộ còn lại.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Sơn Nguyễn Đức Ngọc cho biết thêm, do nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp, thời gian tới để ổn định cho cuộc sống người dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, mong chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình và Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí, sớm xây dựng khu tái định cư và xây dựng nghĩa trang mới cho bà con. Về tuyến đường 445, ông Ngọc mong muốn tuyến đường sớm được tu sửa, nâng cấp để ổn định cuộc sống, lao động và sản xuất của người dân.