“Phục kích” hai bên bờ sông Đà từ 5 - 7 giờ sáng và từ 16 - 18 giờ chiều, phóng viên tận mắt chứng kiến hiện trạng trên tại khu vực ngã ba sông Đà và sông Nậm Na, thuộc khu vực thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên). Chỉ một đoạn sông này, khoảng 40 thuyền máy nhỏ, mỗi thuyền có 2 - 3 người sử dụng máy kích điện để đánh bắt cá. Những người đánh bắt liên tục xúc lên đủ các loại tôm, cá lớn bé đã chết hoặc bị choáng vì điện. Nghiêm trọng hơn, hình thức khai thác này đã tiêu diệt cả trứng tôm, cá và cá bột, gây hậu quả lâu dài cho nghề đánh bắt thủy sản.
Vợ chồng anh Lò Văn Pin ở bản Chi Luông 2 vẫn đánh cá theo phương pháp truyền thống, rất bức xúc: "Từ ngày có những người đánh cá theo kiểu xung điện, sản lượng tôm cá giảm hẳn. Mỗi ngày, gia đình tôi thả khoảng 1.000 rọ và bát quái, nhưng chỉ bắt được khoảng 10 kg tôm cá. Còn những người này đánh bắt được gấp hàng chục lần, được cả cá to lẫn cá bé. Bức xúc nhất là khi họ quét qua, cá tôm trong rọ của chúng tôi đều chết cả. Hiện tại, mỗi ngày có 30 - 40 thuyền thì còn tôm cá đâu mà bắt nữa".
Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La thường xuyên xảy ra, tuy nhiên, do đây là địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, nên lực lượng chức năng tỉnh này không thể xử lý vụ việc khi người vi phạm chạy qua địa bàn tỉnh khác.
Ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho biết: Tình trạng đánh bắt bằng xung điện trên lòng hồ thủy điện Sơn La xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa thị xã Mường Lay và huyện Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu. Cấp ủy, chính quyền 2 địa phương đã tổ chức ký giao ước để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trong thời gian tới. Chính quyền địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo kiểm soát, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên lòng hồ, giao lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng và huyện Nậm Nhùn, thường xuyên kiểm tra, xử lý. Thời gian tới, nếu vẫn còn tình trạng đánh bắt bằng xung điện, chính quyền địa phương sẽ cương quyết xử lý triệt để.
Điều đáng nói là trong khi tình trạng khai thác kiểu tận diệt diễn ra thường xuyên trên địa bàn thị xã Mường Lay và các khu vực khác dọc tuyến sông Đà, thì có những địa phương khác đã giải quyết triệt để. Cụ thể như xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), người dân trong khu vực đã có những giải pháp rất hữu hiệu để bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu bền của mình. Các bản có hương ước cụ thể, nghiêm cấm người dân trong bản đánh bắt thủy sản bằng xung - kích điện; kiên quyết ngăn chặn, trục xuất những người từ nơi khác đến khai thác thủy sản bằng hình thức này trên lưu vực lòng hồ thuộc địa phận xã quản lý.
Cách đánh bắt tận diệt này còn gây ra hậu quả nghiêm trọng khác. Do sản lượng thủy sản sụt giảm, một số đối tượng đã lên Lào Cai, vận chuyển cá nhập khẩu từ Trung Quốc về bán lại cho các nhà thuyền, phù phép thành cá sông Đà, làm mất đi thương hiệu thủy sản của vùng đất này. |