Tuy nhiên, việc thực hiện thành công 19 tiêu chí thực chất chỉ mới là bước đầu của chương trình.
Phóng viên TTXVN tại tỉnh Vĩnh Long thực hiện 4 bài viết nêu rõ những thành tựu cũng như những khó khăn, bất cập ở tỉnh khi thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong đó có vấn đề cần giải quyết sau khi được công nhận đạt chuẩn đối với các xã nông thôn mới là việc duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt, từ đó tạo động lực tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng trong việc thực hiện từng tiêu chí.
Bài 1 - Sức bật từ nông thôn mới
Là tỉnh thuần nông, xuất phát điểm bước vào xây dựng nông thôn mới rất nhiều hạn chế về nguồn lực, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sau gần 8 năm tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Long đã có sự chuyển biến tích cực. Đời sống cũng như mức thu nhập của người dân ngày càng nâng cao.
Diện mạo nông thôn ngày càng tươi mới, đầy sức sống
Đến với các xã nông thôn mới ở Vĩnh Long hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay của các miền quê nơi đây. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi về với xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 là những con đường hoa rực rỡ sắc màu và đẹp đến ngỡ ngàng.
Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Phan Thành Cảnh cho biết: Mô hình tuyến đường mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp” được xã thực hiện từ năm 2013 và thí điểm ban đầu tại ấp 10. Đây là mô hình vận động người dân trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường nhằm nâng cao ý thức giữ gìn môi trường trong sạch và làm đẹp cảnh quan nông thôn.
Đưa chúng tôi tham quan các tuyến đường này, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp hào hứng chia sẻ: Chính quyền xã khuyến khích người dân tham gia thực hiện, ban đầu xã vận động và lựa chọn các loại hoa có sức sống tốt, phù hợp với cảnh quan ven đường và đảm bảo nở hoa nhiều mùa trong năm như: hoa mười giờ, hoa hoàng yến, hoa giấy… để hỗ trợ người dân.
Ông Nguyễn Văn Mách, người dân ở ấp 10 cho biết: Trước đây con đường ngang qua nhà ông dù đã được trải nhựa nhưng cảnh quan không được đẹp. Ngay khi có chủ trương phát động xây dựng mô hình tuyến đường hoa, người dân bắt đầu chú ý trồng hoa ven hai bên đường ở trước nhà, chịu khó chăm sóc hàng ngày. Đến nay, đoạn đường nở đầy hoa rất đẹp mắt, ai nấy cũng phấn khởi.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Phan Thành Cảnh, điều đáng phấn khởi là sau khi phát động, mô hình trồng hoa được người dân ủng hộ rất tích cực. Không khí “đua nhau” tìm những giống hoa lạ, đẹp để trồng giữa các hộ dân liền kề đã tạo nên cảnh quan thực sự sạch, đẹp ở vùng nông thôn. Đến nay, 100% các tuyến đường trên địa bàn xã với chiều dài gần 20 km đều được “khoác áo hoa” rực rỡ sắc màu; có nơi hoa được trồng thành nhiều tầng rất đẹp mắt. Còn người dân khi tự tay trồng và chăm sóc hoa, họ cũng ý thức việc giữ gìn môi trường, làm đẹp cảnh quan, không gian sống và gắn bó hơn trong tình làng nghĩa xóm.
Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, không chỉ riêng xã Hòa Hiệp mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng thực hiện tốt việc trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường giao thông, bộ mặt thôn từ đó ngày càng tươi mới, đầy sức sống.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân
Không chỉ diện mạo nông thôn của tỉnh Vĩnh Long được thay đổi mà thu nhập ở khu vực này cũng không ngừng tăng cao. Tại xã Thuận An, thị xã Bình Minh, khi bắt tay vào thực hiện nông thôn mới, xã còn không ít khó khăn từ cơ sở hạ tầng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, Thuận An đã về đích nông thôn mới vào năm 2017.
Bí thư Đảng ủy xã Thuận An Nguyễn Văn Tám cho biết, là xã thuần nông nên địa phương chú trọng thực hiện có hiệu quả việc phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững. Xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây màu chủ lực, có thế mạnh của địa phương như: cải xà lách xoong, rau diếp cá và các giống cây ăn trái như thanh long, cam, bưởi… để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Tham quan thực tế vườn rau trồng cải xà lách xoong của ông Trần Văn Bo ở ấp Thuận phú A, xã Thuận An, chúng tôi thật sự thích thú khi chiêm ngưỡng những luống rau tươi tốt, xanh mướt mắt chạy dài thẳng tắp. Với diện tích hơn 3.000m2, thu nhập từ trồng rau xà lách xoong mang về cho gia đình ông Trần Văn Bo mỗi năm hơn 150 triệu đồng lợi nhuận, cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa và các loại rau màu khác. Ông Trần Văn Bo cho biết, ông đầu tư thiết lập hệ thống tưới phun ở ruộng rau, chỉ cần bật cầu dao điện trong vài phút là đã tưới xong, giảm rất nhiều chi phí so với việc sử dụng thùng tưới vốn cần nhiều nhân công lao động như trước đây. Còn đầu ra cho sản phẩm cũng khá thuận lợi khi thương lái đến tận vườn thu mua, đem đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là mô hình sản xuất truyền thống của địa phương, mang lại hiệu quả với nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thuận An Nguyễn Văn Tám, không chỉ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xã còn tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối địa phương để phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,3 triệu đồng/người/năm (cao hơn khá nhiều so tiêu chí số 10 về thu nhập được quy định là 41 triệu đồng/người/năm). Thuận An cũng được đánh giá là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao trong các xã nông thôn mới của tỉnh. Ngoài ra, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt trên 95%.
Là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện của tỉnh Vĩnh Long vào tháng 3/2018, thị xã Bình Minh vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo giữ vững tiêu chí thu nhập, cải thiện nâng cao đời sống người dân.
Để thực hiện tốt tiêu chí này, Bí thư Thị ủy Bình Minh Nguyễn Hiếu Nghĩa cho biết, thị xã đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối địa phương và kết nối vùng để phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, thị xã cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị (xanh, sạch và bền vững), đồng thời chuyển nhanh diện tích đất trồng lúa sang trồng màu và cây ăn trái, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Điểm đột phá trong xây dựng nông thôn mới của Bình Minh những năm qua là gắn sản xuất nông nghiệp với tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, kết cấu hạ tầng nhằm đạt hiệu quả cao trên một đơn vị canh tác. Thị xã đã hình thành vùng chuyên canh trái cây đặc sản bưởi Năm Roi với diện tích 2.049 ha, sản lượng 12.044 tấn, thu nhập bình quân trên mỗi đơn vị diện tích từ 350 triệu đến 450 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng mít thái ở xã Thuận An và phường Thành Phước với quy mô 68 ha, cho năng suất từ 20 tấn – 50 tấn/ha, mang lại thu nhập từ 500 triệu đến 600 triệu đồng/ha/năm.
Vùng chuyên màu cải xà lách xoong ở xã Thuận An diện tích 155 ha, giúp cho nhiều hộ nông dân có nguồn thu nhập khá, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất với thu nhập bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm... Triển khai xây dựng nông thôn mới, cùng với xây dựng đô thị văn minh, diện mạo các xã, phường của Bình Minh đã đổi thay từng ngày, thu nhập bình quân năm 2018 đạt 44,2 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,35%, chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Bí thư Thị ủy Bình Minh Nguyễn Hiếu Nghĩa cho rằng, tiêu chí số 10 về thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò nội lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương. Bởi khi địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới mà thu nhập của người dân không tăng lên thì nông thôn mới cũng không có ý nghĩa gì.
Bài 2: Khó khăn giữ chuẩn nông thôn mới