Đồng Tháp thiệt hại trên 22 tỷ đồng do sạt lở

Hiện nay, đang vào mùa mưa lũ và do tác động của dòng chảy, nên tình hình sạt lở liên tiếp xảy ra, nhất là tại các điểm nóng như các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân.

Sạt lở tại xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Theo thống kê của Chi cục thuỷ lợi tỉnh Đồng Tháp, tính từ đầu năm đến giữa tháng 10/2017, toàn tỉnh xảy ra 37 vụ sạt lở, với chiều dài hơn 38 km. Sạt lở đã làm mất hơn 100 nghìn m2 diện tích đất, ước thiệt hại là trên 22 tỷ đồng. Riêng tại huyện Hồng Ngự, điểm nóng sạt lở của tỉnh hiện nay, đã có 12 vụ sạt lở (tăng gấp 3 lần so với năm 2016), với tổng chiều dài hơn 600 mét, diện tích đất mất hơn 10 nghìn m2; trong đó, tập trung ở xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự).

Bà Đặng Thị Hương, ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự thông tin, theo quy luật bình thường vào mùa lũ, khu vực này cũng xảy ra sạt lở, tuy nhiên, năm 2017 số vụ tăng nhanh và sạt lở sâu, mạnh hơn. Cụ thể, chỉ trong tháng 9, người dân chứng kiến đã có 3 vụ sạt lở, chiều dài từ 30 - 100 mét, ăn sâu vào bờ từ 5 - 30 mét, làm mất đoạn đường vành đai bảo vệ sản xuất hoa màu và 5 căn nhà phải di dời khẩn cấp.

Ông Huỳnh Minh Đường, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, xói lở thường diễn ra ở những khu vực cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định. Nguyên nhân các vụ sạt lở chủ yếu là do động lực dòng chảy.

Mặt khác, do hiện nay là mùa mưa lũ, kết cấu địa chất rất mềm yếu của lòng dẫn, những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy, khiến nước áp sát vào bờ với lưu lượng lớn và độ dốc cao nên dễ dẫn đến hiện tượng sạt lở.

Ông Đường cho biết, sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới và có thể diễn biến phức tạp. Đặc biệt là khi về cuối mùa lũ, tình trạng này sẽ có xu hướng kéo dần xuống hạ lưu, khi mực nước lũ rút nhanh.

Trước tình hình trên, để tránh thiệt hại về người và tài sản do sạt lở, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương phải tổ chức theo dõi sát tình hình sạt lở, cắm biển báo, ứng phó kịp thời khi có sạt lở xảy ra; thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo tình hình sạt lở trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân chủ động phòng tránh và tuyệt đối không cho xây dựng các công trình nhà cửa và cơ sở hạ tầng khu vực này. Ngoài ra, các địa phương cần vận động và hỗ trợ các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến nơi an toàn.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu, các đơn vị chuyên môn nghiên cứu đánh giá lòng dẫn để có giải pháp nạo vét khai thông luồng, giảm tốc độ, chỉnh trị dòng chảy,... nhằm hạn chế sạt lở, bảo vệ dân cư và các tuyến đường giao thông khu vực sạt lở. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, nhất là tại các khu vực đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng.

Tin, ảnh: Chương Đài (Chương Đài)
Đồng Tháp mỗi năm mất 30 - 50 ha đất ven sông do sạt lở
Đồng Tháp mỗi năm mất 30 - 50 ha đất ven sông do sạt lở

Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Chương trình hành động, Quy hoạch, Dự án giai đoạn 2017 – 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành, địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN