Đồng Tháp khó khăn trong xây kè bờ từ đoạn Bình Thành đến vàm Phong Mỹ

Dự án Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ được xây dựng ven sông Tiền, thuộc địa bàn xã Bình Thành, huyện Thanh Bình và xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã triển khai vào năm 2021. Tuy nhiên, vì gặp phải một số khó khăn trong quá trình thi công nên chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Chú thích ảnh
 Do gặp một số khó khăn nên công trình xây dựng Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ chậm tiến độ. 

Dự án Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ có chiều dài 2.400 m với tổng số vốn đầu tư hơn 112 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc xây dựng công trình này nhằm xử lý triệt để tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực từ chợ Bình Thành đến vàm Phong Mỹ, đảm bảo ổn định an toàn giao thông cho tuyến Quốc lộ 30, an toàn tính mạng, tài sản, ổn định sản xuất và đời sống cho khoảng hơn 200 hộ dân ở ven sông Tiền. Đồng thời, dự án cũng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Chủ đầu tư Dự án Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp. Dự án này có 1 gói thầu xây lắp, thực hiện thi công mái kè trên cạn từ cao trình +0,5m trở lên, bao gồm các công việc chính như: đóng cọc bê tông cốt thép, dầm khóa mái, lát tấm bê tông cốt thép, lan can, vỉa hè… 

Khởi công xây dựng ngày 10/3/2021, công trình do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng Đức An trúng thầu thi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022. Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án chậm trễ, đến tháng 8/2022, tổng giá trị khối lượng xây lắp chỉ đạt hơn 23% giá trị hợp đồng và chủ đầu tư đã phải xin gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 9/2023.

Bà Bùi Nguyệt Thanh cũng như nhiều hộ dân sống ở ven sông Tiền, nằm trong vùng Dự án Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ rất phấn khởi khi dự án này khởi công xây dựng. Vì khi dự án hoàn thành sẽ bảo vệ đất và nhà của người dân, không bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Tuy nhiên, người dân băn khoăn khi chờ đợi khá lâu nhưng đến nay công trình vẫn thi công dở dang.

"Tiến độ xây dựng kè này quá chậm, làm được một thời gian rồi nghỉ rất lâu, có khi suốt mấy tháng mới làm tiếp. Kè làm chậm trễ nên đất bị lở xuống sông Tiền ngày càng nhiều, "ăn" vào sát nhà tôi" - bà Thanh lo lắng cho hay.

Anh Dương Minh Nghiêu có nhà gần sát sông Tiền đang ăn không ngon, ngủ không yên vì lo sợ sạt lở, nhất là khi không lâu nữa mùa nước lũ sẽ về. Anh Nghiêu chia sẻ, nhận thấy lợi ích của kè nên gia đình anh đồng thuận nhận tiền hỗ trợ, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhưng chờ lâu rồi mà đến giờ công trình vẫn chưa xong. Anh mong dự án đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để gia đình ổn định cuộc sống, sửa chữa lại ngôi nhà, tránh tình trạng bị "mưa tạt, gió lùa" như hiện nay.

Chú thích ảnh
 Xuất hiện hố xói gây sạt lở nên một đoạn kè được điều chỉnh, xây dựng lấn vào trong khoảng 5m. 

Theo ông Nguyễn Văn Nhiều - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian thi công, do nhà thầu Đức An thi công chậm, không đáp ứng tiến độ đề ra. Bởi vậy, trong tháng 11/2021 và tháng 3/2022, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã bổ sung 2 nhà thầu phụ và phân chia như sau: Nhà thầu chính là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức An, thi công đoạn kè dài 420 m; 2 nhà thầu phụ là Công ty TNHH Thành Hưng thực hiện đoạn kè thi công 1.380 m và Công ty TNHH Thái Hoàng Thông thi công đoạn kè 600 m còn lại. Đến nay, tổng giá trị khối lượng thực hiện của 3 nhà thầu đạt hơn 56% giá trị hợp đồng.

Lý giải về việc dự án chậm tiến độ, ông Nhiều cho biết, công trình phải dừng thi công nhiều tháng trong năm 2021 do UBND tỉnh Đồng Tháp áp dụng biện pháp cách ly xã hội trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cùng đó là năng lực thi công của nhà thầu Đức An hạn chế, sau khi trúng thầu, việc triển khai thi công chậm. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Hiện nay, còn một số đoạn kè (không liên tục) thuộc phần đất của 14 hộ dân với tổng chiều dài hơn 360 m chưa thể giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công nên việc tập kết máy móc, thiết bị và triển khai thi công gặp trở ngại. 

Để khẩn trương thi công công trình, hoàn thành kịp tiến độ đề ra, Ban Quản lý dự án đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Thanh Bình và UBND huyện Cao Lãnh khẩn trương có giải pháp hỗ trợ giải phóng mặt bằng dứt điểm đối với các trường hợp còn vướng. Đồng thời, Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục cắt giảm khối lượng thi công còn lại của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức An để giao tiếp cho nhà thầu khác có năng lực thực hiện. Đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng xây dựng hoàn thành công trình trong năm 2023 - ông Nhiều cho hay.

Trước đó, phần chân kè từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ dài 2.400 m gồm 3 gói thầu xây lấp đã được xây dựng hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng lần lượt trong tháng 1/2019, 9/2019 và 2/2022 với tổng mức vốn đầu tư được duyệt gần 244 tỷ đồng. Công trình thực hiện thi công ở chân kè từ cao trình +0,5m trở xuống lòng sông, bao gồm những công việc chính: thả bao tải cát lấp hố xói, kết hợp vải địa kỹ thuật và thảm đá gia cố chân kè… 

Mặc dù vậy, hiện nay, từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ xuất hiện một số điểm sạt trượt, phải mất thời gian xử lý, khắc phục. Việc này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ Dự án Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ.

Anh D.V.N - người dân sống trong vùng dự án chia sẻ, nhiều phương tiện khai thác thủy sản (ghe cào cá) gắn máy công suất lớn thường xuyên hoạt động gần bờ, trong phạm vi công trình. Có nhiều phương tiện thủy có tải trọng lớn lưu thông hoặc neo đậu trong hành lang bảo vệ công trình. Điều này có thể tác động đến vị trí, sự ổn định của những thảm đá gia cố chân kè và bao tải cát lấp hố xói, góp phần khiến chân kè bị sạt trượt.

Chú thích ảnh
Công trình Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ được xây dựng ven sông Tiền với chiều dài 2.400m. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, có nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng đến tính ổn định công trình kè; trong đó, có yếu tố bất lợi về điều kiện tự nhiên như: hình thái sông cong, co hẹp; địa tầng có lớp đất yếu dày; chế độ dòng chảy phức tạp tác động vào bờ lõm của đoạn sông cong và co hẹp, tạo ra dòng chảy xoáy làm xói lở lòng sông phía ngoài chân kè, hình thành các hố xói mở rộng về phía chân kè gây mất ổn định công trình.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo kiểm định chất lượng công trình kè Bình Thành từ Rạch Cái Dầu đến vàm Phong Mỹ - Dự án Kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ do Công ty TNHH tư vấn Trường Đại học Thủy Lợi (Chi nhánh miền Nam) thực hiện.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao Ban Quản lý dự án Dầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc với đơn vị tư vấn kiểm định chất lượng công trình, hoàn thiện Thông báo kết quả kiểm định gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình UBND tỉnh.

Bài, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Dang dở Dự án kè bờ hồ Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị
Dang dở Dự án kè bờ hồ Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị

Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị nổi tiếng trong và ngoài nước với 81 ngày đêm khốc liệt năm 1972. Đây là điểm dừng chân của du khách thập phương trên hành trình tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân khi đến Quảng Trị. Tuy nhiên, quá trình thi công Dự án kè bờ hồ Di tích đang dở dang khiến người dân bức xúc vì gây mất mỹ quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN