Động lực để các nhà khoa học thỏa sức sáng tạo

Các nhà khoa học cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 57 rất kịp thời, thực sự là động lực để các trí thức trẻ, nhà khoa học cống hiến, dấn thân, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, tiến lên phía trước.

Cùng với những chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một bước tiến mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.  

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước”, ngày 3/5/2024. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác định vai trò cốt lõi của khoa học công nghệ trong thúc đẩy kinh tế-xã hội. Yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những yếu tố quyết định cho sự vươn mình mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phải có đột phá về khoa học mới tạo ra sự đột phá về phát triển và đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cùng với đó, hợp tác quốc tế là những bước đi chiến lược nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Hường cho rằng, Nghị quyết 57 không chỉ là định hướng phát triển căn cốt của đất nước mà còn là động năng để các nhà khoa học thỏa sức sáng tạo, thỏa sức thử nghiệm nghiên cứu khoa học và làm chủ công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nghị quyết 57 được coi là “cởi trói” cho nhiều hoạt động khoa học và là định hướng quan trọng trong xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Các nhà khoa học, trí thức cần thấy đây là sự quan tâm, chia sẻ, lắng nghe, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn của Đảng và Nhà nước dành cho họ trong việc khơi thông nguồn cảm hứng sáng tạo và cũng cần phải thấy có trách nhiệm trước sự quan tâm và ủy thác đó.

Tuy nhiên, để đội ngũ trí thức, các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, dốc sức cống hiến, sáng tạo, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Hường, cần có những cơ chế đặc biệt trong việc giao nhiệm vụ khoa học, thử nghiệm khoa học, tạo điều kiện cơ chế thông thoáng cho các nhà khoa học khi thực hiện các hoạt động khoa học. Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách trong quản lý khoa học và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Ví dụ: Cho phép thí điểm triển khai thực hiện các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro nghiên cứu, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học; có chế độ đãi ngộ tương xứng cho các nhà khoa học …

Phân tích về 7 nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 57 trong tổ chức thực hiện, từ đổi mới tư duy tới xây dựng đội ngũ nhân tài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Hường cho rằng, Nghị quyết 57 đã chỉ ra tầm nhìn và mục tiêu cụ thể, bao gồm quy mô kinh tế số tới năm 2030 tối thiểu đạt 30% GDP, đến năm 2045, tỉ lệ này ít nhất là 50%; trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Đây chính là việc cụ thể hóa nhiệm vụ song cũng thể hiện sự quyết tâm thực hiện mục tiêu, định hướng và thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Hường, trong một thế giới phẳng, công nghệ hoặc các phát kiến khoa học được nhanh chóng ứng dụng và liên tục đổi mới, do đó, Nghị quyết 57 đã tháo gỡ những điểm nghẽn của thể chế, trực tiếp giải quyết những vấn đề rất mới của thời đại như dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo, Blockchain, IoT... Nghị quyết 57 đề cập đến việc thử nghiệm các công nghệ mới có điều kiện để thúc đẩy nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất, đưa các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ chiến lược vào cuộc sống. Chính vì thế, các nhà khoa học cần coi đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách trước yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước, cần nhanh chóng đổi mới tư duy, xả thân trong thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học để bắt kịp xu thế trong kỷ nguyên mới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Hường cũng nhận định, Nghị quyết 57 ra đời trong bối cảnh hiện nay đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong hoạt động khoa học mà Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành khó đáp ứng. Cụ thể như việc áp dụng chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ khoa học, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, chế độ đãi ngộ với các nhà khoa học hay chính sách phù hợp với việc lập ra các nhóm nghiên cứu mạnh; nâng mức đầu tư cơ bản cũng như cơ chế vận hành các dự án nghiên cứu…

Để Nghị quyết 57 được lan tỏa rộng rãi, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Hường, từng cán bộ quản lý, đảng viên, các cấp ủy, doanh nghiệp cần thay đổi phương thức làm việc, dựa trên dữ liệu, với các hệ thống tự động hóa, trí tuệ nhân tạo cùng các kỹ năng mới như tích lũy, phân tích dữ liệu… Đồng thời, việc khẩn trương xây dựng và thông qua Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ nhằm thể chế hóa chính sách pháp luật liên quan cũng như cập nhật thực tiễn phát triển hiện nay; đồng thời giải quyết nhanh chóng những nút thắt, điểm nghẽn trong hoạt động khoa học, tạo tiền đề thuận lợi để các nhà khoa học, trí thức có điều kiện phát huy hết năng lực của mình làm cho nền khoa học nước nhà bắt kịp với xu hướng phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới.

Diệu Thúy (TTXVN)
Dành ưu tiên cao nhất hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Dành ưu tiên cao nhất hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự, phát biểu chỉ đạo. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN