Đồng hành vì sự phát triển của phụ nữ

Phong trào Hội phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa, thu hút và đồng hành cùng các tầng lớp phụ nữ trong mọi lĩnh vực.

Nhóm làm kẹp tóc của chị Nguyễn Thị Hồng ở quận 4 (TP Hồ Chí Minh) hình thành từ sự giúp sức của Tổ tư vấn cộng đồng khu phố. Nguồn: nhandan.com.vn

Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, tạo môi trường thuận lợi, vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Trong đó, việc tổ chức đa dạng mô hình, câu lạc bộ phù hợp, phong trào Hội phụ nữ tại thành phố ngày càng lan tỏa, thu hút và đồng hành cùng các tầng lớp phụ nữ trong mọi lĩnh vực.

Đa dạng mô hình, câu lạc bộ

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của mọi đối tượng phụ nữ, hơn 17.000 câu lạc bộ, tổ, nhóm được thành lập tại các cơ sở Hội. Thông qua hoạt động của các mô hình, Hội Phụ nữ các cấp tiếp cận được nhiều tầng lớp phụ nữ, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, từ đó thu hút ngày càng nhiều phụ nữ đến với Hội.

Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả là Tổ tư vấn cộng đồng với hơn 2.000 tổ đang được triển khai tại khắp các quận, huyện. Qua đó kịp thời tư vấn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tư vấn các vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày của gia đình.

Hoạt động của Tổ tư vấn cộng đồng tại xã Hưng Long (huyện Bình Chánh) đã phát huy hiệu quả, giúp người dân hiểu về các quy định pháp luật, hướng dẫn nhanh chóng các thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề đất đai, hôn nhân gia đình, bảo hiểm y tế, cư trú, giáo dục… Qua đó, tạo được lòng tin trong nhân dân, giảm bớt đơn thư khiếu nại, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh hỗ trợ hội viên phụ nữ, nhiều mô hình, Câu lạc bộ ở cơ sở Hội ra đời nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu người dân, góp phần giải quyết các vấn đề từ thực tiễn xã hội.

Trước những băn khoăn, lo lắng về sự thiếu an toàn cho con của nhiều gia đình khi không có điều kiện đưa đón con đến trường, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ khu phố 4, Phường 15, Quận 4 đã thành lập và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ nữ xe ôm.

Bà Vương Thị Bích Phụng, Chi hội trưởng khu phố 4 chia sẻ, tham gia Câu lạc bộ là những chị em phụ nữ có nhu cầu việc làm, kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nếu chị em không có điều kiện, Hội hỗ trợ cho vay không lãi suất để mua xe.

Câu lạc bộ chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu đưa đón con em đến trường của người dân trong khu phố, qua đó giúp các gia đình yên tâm hơn về sự an toàn của con em mình trước tình trạng trẻ em bị xâm hại xảy ra trong thời gian vừa qua.

Cùng với Câu lạc bộ nữ xe ôm, thời gian tới, Chi hội tiếp tục xây dựng, triển khai mô hình giúp việc gia đình theo giờ để thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ có nhu cầu.

Yêu cầu đổi mới hoạt động của Hội Phụ nữ luôn được cơ sở Hội quan tâm thực hiện bằng việc đa dạng hóa các loại hình tập hợp phụ nữ.

Bà Bùi Thị Cẩm Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Long (huyện Bình Chánh) cho biết, việc thành lập các Câu lạc bộ luôn xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, chính đáng của phụ nữ. Khi chị em nhận ra quyền lợi cũng như thấy được giá trị của những đóng góp của mình cho xã hội, họ sẽ tự nguyện, nhiệt tình tham gia, gắn bó lâu dài với Hội.

Từ hiệu quả thực tế, đến nay nhiều mô hình, Câu lạc bộ đã được nhân rộng và hoạt động sôi nổi, khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ trên các lĩnh vực, hỗ trợ giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.

Nhiều mô hình đã được triển khai như Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ nuôi dạy con tốt, nhóm tương trợ; mô hình dịch vụ gia đình…

Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh tuyên dương các tập thể điển hình về công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hồi tháng 8/2017. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với xây dựng thành phố thông minh, vấn đề nền tảng và nhân văn nhất là đảm bảo bảo môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em, bảo vệ họ không chỉ bằng việc chăm lo mà quan trọng là thông qua chính sách, các chương trình được thể chế hóa, các dịch vụ được đồng bộ vận hành, thực thi, giám sát một cách nghiêm túc. Đây cũng chính là nội lực, thúc đẩy xã hội có trách nhiệm với công tác bình đẳng giới.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em. Hiện Hội Phụ nữ đang xây dựng bộ tiêu chí để thực hiện mục tiêu này.


Theo đó, trước hết là đảm bảo các điều kiện, cơ hội cho chất lượng sống, học tập của phụ nữ, trẻ em; không còn tình trạng bạo hành, xâm hại mà trong đó nạn nhân là hầu hết phụ nữ, trẻ em; đảm bảo công bằng trong đánh giá năng lực, tạo điều kiện để phụ nữ chủ động nâng cao vị thế của mình trong xã hội...

Nhấn mạnh tới việc cần có cơ chế bảo vệ phụ nữ khỏi nạn bạo lực gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Luận, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thủ Đức cho rằng, đã có nhiều chủ trương, quy định pháp luật quan tâm đến vấn đề này nhưng các chủ trương chưa đi vào đời sống.

Khi bị bạo hành, người phụ nữ thường không dám lên tiếng mà cam chịu với quan niệm để giữ sự êm ấm của gia đình. Nhiều trường hợp, chị em bị bạo hành đến cơ sở y tế khám chữa bệnh mới được các nhân viên y tế phát hiện bị bạo hành. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Luận cho rằng, xã hội cần lên tiếng mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người phụ nữ.

Một đề xuất cụ thể, khi ngành Y tế tiếp nhận bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình cần phối hợp cung cấp thông tin cho các ngành chức năng tại địa phương để kịp thời can thiệp, hỗ trợ các nạn nhân, đồng thời xử lý nghiêm những người có hành vi bạo lực.

Ở góc độ khác, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để tạo sự thân thiện với phụ nữ, trẻ em, thành phố cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tạo lập kênh thông tin, tiếp nhận nhanh chóng những vấn đề xã hội, nhu cầu của phụ nữ và trẻ em cũng như cung cấp, hướng dẫn kỹ năng ứng xử các tình cho phụ nữ, trẻ em.

Tiếp tục cụ thể hơn các chính sách vì sự phát triển của phụ nữ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, để bảo vệ, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho phụ nữ, trẻ em cần cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Thời gian tới, UBND thành phố cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố triển khai chương trình phối hợp trong chăm sóc phụ nữ, trẻ em tốt nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, các hoạt động của thành phố, các sở ngành triển khai đều hướng đến mục tiêu chung quan tâm, chăm sóc, bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

T.Hoài (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan tới phụ nữ
Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan tới phụ nữ

Nhân dịp Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2017), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về kết quả thực hiện bình đẳng giới, công tác hội và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN