Giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới
Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ đối với Việt Nam, mà ở tất cả các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội.
TP Hồ Chí Minh tuyên dương các điển hình về công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra hồi tháng 8/2017. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Xác định bình đẳng giới là trung tâm của phát triển, là yếu tố để nâng cao khả năng tăng trưởng của quốc gia, xóa đói giảm nghèo và quản lý nhà nước có hiệu quả, ngày 29/11/2006, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới; ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020", với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia, thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Trong buổi tọa đàm gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đưa ra Chương trình hành động quốc gia, đi liền với đó là ban hành Luật Bình đẳng giới. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, kết hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình này.
"Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện triển khai luật Bình đẳng giới; đồng thời bố trí nguồn lực, lồng ghép tốt các chương trình; tăng cường kiểm tra đánh giá về bình đẳng giới; tiếp tục quán triệt giáo dục tuyên truyền tốt hơn để mọi cấp mọi ngành liên quan đến bình đẳng giới. Với những việc làm trên, tôi tin tưởng, chương trình bình đẳng giới sẽ thực hiện tốt hơn, mạnh mẽ hơn toàn diện hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Những năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm, đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam cũng được xếp trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN); là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới, tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm…
Đây là những con số rất có ý nghĩa, bởi việc thực hiện bình đẳng giới sẽ giúp mang lại các nguồn lợi lớn cho sự phát triền bền vững của mỗi quốc gia.
Nâng cao dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ
Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động cả nước là 54,43 triệu người, trong đó lao động nữ là 26,35 triệu người (chiếm 48,4% lực lượng lao động). Từ năm 1998 đến nay, công tác dạy nghề cho phụ nữ được phục hồi và từng bước phát triển.
Chị Nguyễn Thị Hương 39 tuổi (hội viên Hội phụ nữ xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) hướng dẫn công nhân may tại xưởng may của gia đình. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cả nước hiện có 39 cơ sở đào tạo nghề do các cấp Hội quản lý, cơ bản đã đáp ứng nhiệm vụ dạy nghề, góp phần giải quyết việc làm cho đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ trên cả nước.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn là nội dung được Hội chọn làm khâu đột phá trong chương trình hành động; trong đó cần đến các chính sách ưu tiên lao động tại chỗ cho phụ nữ tại các vùng chịu áp lực lớn như bị thu hồi đất, vùng không có đất sản xuất, dân số đông... Xét về dài hạn, cần lồng ghép chính sách này vào chiến lược và quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
Lãnh Hội Phụ nữ các địa phương khẳng định rằng, các cơ sở rất chú trọng đào tạo nghề theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nữ. Hiện cả nước có khoảng 25.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, đã góp phần dạy nghề, tạo việc làm cho hàng vạn lao động nữ. Các cơ sở đào tạo nghề của Hội tích cực tham gia thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” góp phần tăng tỷ lệ lao động nữ tham gia học nghề từ Đề án này đạt 45,8%.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, đổi mới công tác quản lý về giáo dục nghề nghiệp, được coi là một trong hai giải pháp đột phá của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, trong đó nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn; thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động đến các vùng nông thôn, tăng cơ hội tiếp cận thông tin việc làm phù hợp với trình độ và khả năng cho lao động nữ.
Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, hiện tổng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 5.000 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động mỗi năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%. Đặc biệt, quỹ này còn dành riêng một kênh quản lý nguồn vốn cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để giải quyết việc làm cho các hội viên với tổng nguồn Quỹ là 62 tỷ đồng năm 2016, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 1.000 hội viên...
Bên cạnh đào tạo nghề, công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ cũng là vấn đề được các cơ quan chức năng quan tâm. Trước tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, thuận lợi và thách thức đan xen sẽ tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động, trong đó có lao động nữ, Trưởng Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trịnh Thanh Hằng cho rằng, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ như: tuổi nghỉ hưu; điều kiện, môi trường làm việc, an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng các thiết chế dành cho công nhân tại các khu công nghiệp như vấn đề nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, bếp ăn tập thể, nhà vệ sinh…
Bà Hằng khẳng định, giai cấp công nhân Việt Nam với 43,6% nữ công nhân viên chức lao động là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và tạo việc làm cho các lao động nữ là một trong những trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam.