Đồng hành cùng người lao động vượt khó   

Các hoạt động của tổ chức Công đoàn TP Hồ Chí Minh qua từng thời điểm, giai đoạn đã có sự đổi mới, tạo được sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp chung tay vào cuộc để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động phù hợp nhất.

 

Chú thích ảnh
Chính quyền và các đoàn thể hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Những năm gần đây, người lao động Thành phố Hồ Chí Minh chịu nhiều áp lực về đời sống, việc làm. Phong trào công nhân lao động thành phố phải đối mặt với không ít những khó khăn thách thức từ những tác động của dịch bệnh và tình hình kinh tế thế giới. Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái cùng với sự năng động, sáng tạo, nỗ lực không ngừng, tổ chức Công đoàn thành phố luôn đồng hành cùng người lao động. Các phong trào luôn gắn liền với công nhân thành phố từng bước vượt khó cùng Thành phố đẩy nhanh tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Thách thức từ mùa dịch

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của cả nước nhưng đã phải trải qua những thời điểm gần như tê liệt mọi hoạt động, bởi dịch COVID-19 bùng phát. Đại bộ phận doanh nghiệp phải dừng sản xuất, cung cấp dịch vụ, giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tác động sâu sắc đến đời sống, sinh hoạt, tình cảm, tâm trạng của tất cả người dân.

Nhớ lại thời điểm đó, chị Đỗ Bích Thủy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Gia Thành, Quận 8 không giấu được niềm vui xen lẫn nỗi buồn bởi đã có lúc quá khó khăn. Song, đáng mừng và quý nhất là sự sẻ chia từ doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương, tình cảm của bà con lối xóm bằng chai nước rửa tay, khẩu trang kháng khuẩn; lúc túi gạo, mớ rau hay nhu yếu phẩm thiết yếu…

"Trải qua những lúc khó khăn, đau thương nhất, con người ta mới cảm nhận được cái tình giữa những người lao động nghèo với nhau, sự quan tâm, san sẻ của tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp… Tình cảnh khó khăn, song tình người thật sự ấm áp, những ngày tháng đó khó có thể nào quên", chị Thùy chia sẻ.

Tại thời điểm đó, anh Mai Thanh Phong, công nhân phân xưởng khuôn mẫu CNC, Công ty Cổ phần thiết bị nhà bếp Vina (Khu Công nghiệp Tân Bình, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú), cùng nhiều công nhân khác không khỏi lo lắng bởi doanh nghiệp bị phong tỏa do phát hiện có ca mắc COVID-19. Anh Phong cho biết, cuộc sống lúc đó có những bất tiện do hoàn cảnh mang lại, nhưng tất cả cùng nhau vượt khó duy trì sản xuất. Những hoạt động hỗ trợ, chăm lo, tận tình chu đáo của doanh nghiệp, Công đoàn công ty và các lực lượng chức năng đã giúp công nhân dần thích nghi với hoàn cảnh mới để mọi người yên tâm làm việc, anh Phong chia sẻ.

Dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, nhanh chóng và nặng nề làm đảo lộn, phá vỡ mọi kế hoạch, chương trình xây dựng, phát triển. Do tác động dịch bệnh kéo dài, vượt quá khả năng chịu đựng, một số lượng lớn công nhân, người lao động các tỉnh đã phải rời khỏi nơi tạm trú về quê nhà.

Trong bối cảnh khốc liệt đó, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động thành phố từ đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, công chức, các chiến sỹ, lực lượng vũ trang đã kề vai sát cánh cùng nhân dân thành phố dũng cảm vượt qua thử thách chưa từng có để chiến thắng dịch bệnh. Lực lượng công nhân, người lao động tiếp tục bám trụ sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" để duy trì một số hoạt động sản xuất thiết yếu trong điều kiện bất lợi về mọi mặt, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19, Công đoàn cơ sở đã thành lập từ sớm các “Tổ An toàn COVID” ngay tại doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất; xây dựng các phương án hỗ trợ khẩn cấp công nhân, người lao động. Các cấp Công đoàn đã chủ động khuyến nghị doanh nghiệp, hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp trong thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến", trong đó đặc biệt quan tâm hạn chế lây nhiễm, đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, Công đoàn phát động phong trào "Xây dựng vùng xanh, an toàn sản xuất, an toàn phòng dịch", "Mỗi đoàn viên Công đoàn là một tình nguyện viên - Mỗi Công đoàn cơ sở một chương trình tình nguyện"...

"Các cấp Công đoàn thành phố đã khẳng định mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội, cùng thành phố hỗ trợ người lao động tại nơi làm việc, nơi ở khi phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Toàn bộ nguồn lực từ đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách, tài chính và cơ sở vật chất của tổ chức Công đoàn thành phố được huy động để ứng phó chống dịch: chăm lo theo chính sách, đảm bảo an sinh, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, cơ sở vật chất làm công tác hậu cần, kho bãi, địa điểm để thực hiện xét nghiệm, tiêm vaccine, làm 'căn cứ' cho các trạm y tế lưu động, làm điểm cách ly tạm thời, làm nơi thu dung tạm thời F0, làm nơi thực hiện giãn dân phòng dịch...", ông Trần Đoàn Trung chia sẻ.

Tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19, các cấp Công đoàn thành phố đã chăm lo cho hơn 1,3 triệu người với tổng kinh phí hơn 692,6 tỷ đồng. Trong đó, Các cấp Công đoàn đã tổ chức 27 "Siêu thị 0 đồng"; hàng trăm ngàn đi chợ cho người lao động, chương trình "Bếp ăn yêu thương" hỗ trợ các khu phong tỏa và lực lượng phòng, chống dịch; vận động gần 15.000 chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê phòng; tiếp nhận, vận chuyển, hỗ trợ trên 500 tấn hàng hóa, rau củ quả, nhu yếu phẩm, phân chia và chuyển đến tay của đoàn viên, người lao động và người dân trong dịch COVID-19.

Chăm lo là thước đo hoạt động

Chú thích ảnh
Lãnh đạo LĐLĐ Tp. Hồ Chí Minh tặng quà cho các công nhân có hoàn cảnh khóp khăn tại ngày hội “Vì sức khỏe người lao động năm 2023” tại huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trải qua giai đoạn dịch bệnh, nay khủng hoảng kinh tế thế giới, người lao động liên tiếp chịu nhiều tác động và bị ảnh hưởng trực tiếp khiến đời sống, việc làm gặp muôn vàn khó khăn. Trong gian khó đó, các cấp Công đoàn thành phố đã "nở rộ" các hoạt động hỗ trợ, chăm lo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần làm giảm áp lực cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày của công nhân, người lao động. Đặc biệt, nhiều hoạt động của Công đoàn đã hướng đến đoàn viên công đoàn các nghiệp đoàn, người lao động tự do hay người dân gặp khó khăn trong suốt mùa dịch.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hải, đoàn viên Nghiệp đoàn giáo viên mầm non tại Quận 6 cho biết, sau khi mắc COVID-19 sức khỏe có phần giảm sút, do thu nhập còn eo hẹp lại phải lo thuê nhà trọ, chị chần chừ chưa đi kiểm tra sức khỏe. Nhờ chương trình khám bệnh tổng quát miễn phí của các bác sỹ, cùng với tổ chức Công đoàn, chị Hải mới xác định bệnh và được hướng dẫn cách tập luyện, bổ sung dinh dưỡng cải thiện sức khỏe để từ đó chuyên tâm cho công việc.

Cô Phạm Thị Hồng Yến Oanh, Trường Tiểu học Hồng Đức (Quận 12) và chị Lê Thị Nga, công nhân may Công ty Cổ phần Điện tử Vina Sài Gòn bị bệnh ung thư đã được Công đoàn Trường Đại học Sư phạm thành phố, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố hỗ trợ sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng/người. "Số tiền tuy không lớn, nhưng trong trong hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn do phải điều trị bệnh liên tục, lâu dài, đây trở thành món quà lớn và thật sự có ý nghĩa…", cô Phạm Thị Hồng Yến Oanh chia sẻ.

Công tác chăm lo của Công đoàn còn được khẳng định qua các chương trình thường niên, các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân mang đậm dấu ấn của Công đoàn thành phố như: "Tết sum vầy - Xuân yêu thương", "Gia đình công nhân vui Tết cùng thành phố", "Tấm vé nghĩa tình", "Mái ấm công đoàn", "Trái tim nghĩa tình", "Vì sức khỏe người lao động"... Qua 5 năm thực hiện, các cấp Công đoàn đã tạo điều kiện cho gần 10 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng các chương trình, với tổng trị giá gần 1.000 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nổi bật trong các hoạt động là chương trình "Phúc lợi đoàn viên" đã đồng hành cùng đoàn viên, người lao động, tạo sức hấp dẫn, gắn kết của tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, thông qua ký kết hợp tác với hơn 600 đối tác cung ứng hàng hóa thiết yếu, dịch vụ, đã giảm giá trực tiếp, ưu đãi chiết khấu, mua hàng trả góp, tặng quà, miễn, giảm một số chi phí liên quan cho người lao động khi mua sắm tại các phiên chợ công nhân ngắn hạn, hay các điểm "Phúc lợi đoàn viên", "Phiên chợ online"…

"Điểm mới của hoạt động Công đoàn thành phố trong những năm qua luôn hướng mạnh về cơ sở, phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ trên tinh thần tương thân, tương ái, trực tiếp, đúng người, đúng hoàn cảnh; nâng cao chất lượng nội dung, giá trị chăm lo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, nhiều những sáng kiến, sáng tạo trên điều kiện thực tế tại cơ sở, địa bàn, các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cả về đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động…", bà Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố, công tác chăm lo còn được thực hiện thông qua Tổ chức tài chính vi mô CEP đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, người lao động vay lãi suất thấp, mở rộng đối tượng được vay vốn giải quyết khó khăn, góp phần tích cực phòng, chống tín dụng đen. Giai đoạn 2018 - 2023, CEP đã đạt dư nợ phát vay hơn 5.000 tỷ đồng với hơn 300.000 công nhân, người lao động, hộ nghèo; chương trình "CEP - chia sẻ yêu thương" mùa dịch đã giảm lãi suất cho hơn 630.000 người lao động, với tổng số tiền giảm hơn 85,9 tỷ đồng…

Từ những trăn trở cùng đời sống, việc làm người lao động, các cấp Công đoàn thành phố đã không ngừng được đầu tư, đổi mới, nâng chất hoạt động chăm lo với nhiều nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, thiết thực. Đặc biệt, giai đoạn dịch COVID-19 chính là thách thức để tổ chức Công đoàn thành phố chủ động, đổi mới, sáng tạo, lấy chăm lo làm thước đo hoạt động, kịp thời thích ứng, khẳng định vị thế, vai trò "đầu tàu" của Thành phố.

Các hoạt động của tổ chức Công đoàn thành phố qua từng thời điểm, giai đoạn đã có sự đổi mới, tạo được sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp chung tay vào cuộc để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động phù hợp nhất. Công đoàn thành phố nói chung, mỗi cán bộ Công đoàn thành phố nói riêng đã, đang xây dựng được hình ảnh thân thiện, gần gũi, đoàn kết, sẻ chia đã đồng hành và trở thành điểm tựa cho đoàn viên, người lao động trong mọi hoàn cảnh.

Thanh Vũ (TTXVN)
Mô hình Khu nhà trọ công nhân tự quản giúp người lao động ổn định cuộc sống
Mô hình Khu nhà trọ công nhân tự quản giúp người lao động ổn định cuộc sống

Nhằm tạo điều kiện để công nhân lao động trong các khu công nghiệp ổn định cuộc sống và gắn bó với doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các ngành triển khai mô hình các Khu nhà trọ công nhân tự quản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN