Đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam

Tiếng sấm và cơn mưa rào giữa hạ bỗng dưng sầm sập đổ xuống, nhưng đã không át được những tiếng hát và niềm tin của những nạn nhân da cam/điôxin trong chương trình giao lưu “Vì nỗi đau da cam” do Thông tấn xã Việt Nam, Quỹ “Vì nỗi đau da cam thuộc TTXVN”, Trung tâm dịch vụ truyền thông VNS phối hợp tổ chức, sáng 8/8 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm “50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam” (10/8/1961-10/8/2011).

Công đoàn TTXVN ủng hộ Quỹ "Vì nỗi đau da cam" số tiền 100 triệu đồng. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự chương trình. Cùng dự có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hà Văn Núi; Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam và đông đảo các vị đại sứ, đại diện các sứ quán: Hy Lạp, Hà Lan, Nga, Chilê, Pháp, Palextin, các nhà hảo tâm, đại diện các nạn nhân da cam tiêu biểu.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gửi thư tới chương trình giao lưu, trong thư có đoạn viết: "Chương trình giao lưu “Vì nỗi đau da cam” do TTXVN tổ chức hôm nay có mục đích kêu gọi mọi người tiếp tục cùng chung tay, góp sức, giúp đỡ, giảm bớt một phần khó khăn, nỗi đau cho các nạn nhân da cam Việt Nam. Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống ‘thương người như thể thương thân’ của dân tộc ta”.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng. 50 năm trước, không quân Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc hóa học xuống miền nam Việt Nam. Ước tính của chính các nhà khoa học Mỹ cũng thừa nhận: Việt Nam hiện có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất điôxin/da cam, trong đó 3 triệu người đang là nạn nhân trực tiếp của chất độc này.

Phó Thủ tướng chia sẻ: Nạn nhân da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, khổ nhất trong những người đau khổ. Hậu quả của chiến tranh vẫn đang từng giờ, từng phút gây nên nỗi đau da cam. Chính phủ đã cam kết giải quyết vấn đề tiêu độc ở các vùng đất bị ô nhiễm để giảm bớt hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, để việc làm nhân đạo này tới tận từng gia đình nạn nhân da cam, rất cần có sự chia sẻ của các tổ chức xã hội mà Quỹ “Vì nỗi đau da cam thuộc TTXVN” là một điển hình tiêu biểu. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng hoan nghênh TTXVN đã có sáng kiến thành lập Quỹ Vì nỗi đau da cam với nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích trong suốt 5 năm qua.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sự có mặt của đông đảo các vị đại sứ, đại diện các sứ quán, các tổ chức quốc tế trong chương trình giao lưu này cho thấy, bạn bè quốc tế đã chia sẻ và đồng hành với các nạn nhân da cam của chúng ta. Cuộc đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam đã có những bước tiến bộ nhưng vẫn cần phải tiếp tục. Phó Thủ tướng đề nghị Quỹ Vì nỗi đau da cam nói riêng, và TTXVN nói chung, với vai trò là cơ quan thông tin của Chính phủ, là kênh thông tin quan trọng của Đảng và Nhà nước, với nhiều ấn phẩm báo chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài, có mối quan hệ truyền thống với nhiều hãng thông tấn quốc tế, với mạng lưới cơ quan đại diện rộng khắp tại nhiều quốc gia... hãy đem tiếng nói công lý của các nạn nhân da cam Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế, thông tin, tuyên truyền, vận động bạn bè thế giới cùng nhân dân Việt Nam chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Trong những năm qua, bên cạnh những hoạt động mang tính báo chí trong công tác thông tin, văn hóa, tư tưởng, TTXVN đã có nhiều hoạt động xã hội với giá trị nhân văn cao cả ủng hộ người nghèo, ủng hộ các nạn nhân da cam/điôxin.

Phát biểu khai mạc tại buổi giao lưu, ông Trần Mai Hưởng, Tổng Giám đốc TTXVN, Chủ tịch Hội đồng quản lý “Quỹ Vì nỗi đau da cam thuộc TTXVN” nhấn mạnh: “Nửa thế kỷ thảm họa da cam ở Việt Nam không chỉ là nỗi đau riêng của Việt Nam mà còn là nỗi đau của toàn nhân loại. Chúng ta hãy chung tay hành động với tình cảm và trách nhiệm cao nhất vì mục tiêu đấu tranh chống chiến tranh hóa học, chống vũ khí giết người hàng loạt, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hòa bình. Đây chính là hành động có ý nghĩa thiết thực nhất nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho hàng triệu nạn nhân và gia đình họ”.

Báo cáo về hoạt động của Quỹ Vì nỗi đau da cam thuộc TTXVN, Tổng Giám đốc TTXVN cho biết: Từ khi thành lập (9/2006) đến nay, Quỹ đã tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, quyên góp, nhiều chuyến đi trao quà trực tiếp tới hàng nghìn nạn nhân da cam trên khắp các vùng miền đất nước. Quỹ đã quyên góp được 3,8 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều hiện vật, trong đó riêng Chính phủ và Tổng thống Hy Lạp đã ủng hộ 86.000 euro. Đặc biệt, Quỹ đã và đang xây dựng được 21 Nhà tình thương để tặng nạn nhân chất độc da cam tại Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Thanh Hóa...

Những tấm gương vượt lên số phận

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính những nạn nhân chất độc da cam/điôxin thể hiện, đã mang đến cho hội trường những giây phút thật xúc động.
Sinh ra và lớn lên ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội), trong một gia đình có 5 người con, chênh nhau đến 10 tuổi, nhưng hai chị em Thanh Hằng-Thanh Hà trông như chị em song sinh, bởi cả hai chỉ phát triển bình thường đến năm 12-13 tuổi là chững lại, không thể cao thêm được nữa. Nguyên do được các bác sĩ xác định là bị đột biến gene, bởi ảnh hưởng chất độc da cam, do người bố bị nhiễm từ thời chiến tranh. Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, năm 2008 Thanh Hằng- Thanh Hà vào Nam để tìm việc làm. Rời xa gia đình, vào Thành phố Hồ Chí Minh với bao khó khăn khắc nghiệt của cuộc sống, hai chị em đã may mắn được Ban biên tập tạp chí Kiến thức ngày nay nhận vào làm. Điều đặc biệt ở Thanh Hằng-Thanh Hà chính là khả năng ca hát. Hiện tại hai chị em đang theo học tại Khoa thanh nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Con đường âm nhạc của chị em họ đã thực sự rộng mở. Những cố gắng của họ để vượt qua những éo le của số phận đã được đền đáp bằng sự công nhận của công chúng yêu nhạc.

Ông Vũ Quốc Khánh (bên trái), Giám đốc Quỹ "Vì nỗi đau da cam", thay mặt Thông tấn xã Việt Nam, trao tặng Hội Nạn nhân da cam/điôxin Việt Nam 750 cuốn sách mang tên "50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam". Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Còn chàng trai trẻ Nguyễn Sơn Lâm thì lại có một hoàn cảnh khác. Lâm sinh năm 1983 tại thị xã Uông Bí (Quảng Ninh). Đến nay chàng trai này vẫn chỉ nặng 23 kg, cao 83 cm, đi lại phải dùng nạng, do bị nhiễm chất độc da cam từ người cha đã tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Với nghị lực phi thường, Sơn Lâm đã tốt nghiệp khoa tiếng Anh - Đại học Hà Nội và khoa tiếng Nhật - Đại học Phương Đông. Ngoài ra, Lâm còn thành thạo cả tiếng Pháp. Hiện nay, Lâm đang làm cộng tác viên chuyên mục Thể thao 24h của báo điện tử Vietnamnet và mở thêm một công ty về đào tạo cho các bạn sinh viên về kỹ năng sống. Anh cũng tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, đồng thời là một trong những đại diện nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam sang Mỹ đấu tranh đòi công lý.

Tham gia chương trình giao lưu, Sơn Lâm xúc động tâm sự rằng, Lâm thấy mình còn may mắn hơn nhiều bởi còn được đi học, trong khi còn nhiều nạn nhân chất độc da cam chỉ nằm một chỗ. Lâm tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin của người thân. “Chúng tôi, những nạn nhân chất độc da cam còn khả năng làm việc, còn khả năng phấn đấu sẽ cố gắng hết mình để xứng đáng là người con của dân tộc Việt Nam, xứng đáng là những đứa con của những chiến sĩ đã hy sinh và hy sinh một phần xương máu cho nền độc lập của dân tộc, để không phụ lòng tin, không hổ thẹn với truyền thống anh hùng của dân tộc...”, Lâm rưng rưng tâm sự trong chương trình giao lưu.

Những tấm lòng nhân ái

Những lời nói tự đáy lòng mình của Sơn Lâm đã làm nhiều người tại hội trường xúc động, và Lâm đã nhận được sự động viên kịp thời của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. Suy nghĩ của Sơn Lâm cũng là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ khi biết mình thiếu may mắn do bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, nhưng vẫn tràn đầy nghị lực để vượt qua những khó khăn khi còn có thể.

Khán phòng tòa nhà 11 Trần Hưng Đạo rộng là vậy nhưng không còn ghế trống. Đứng từ xa tôi nhận thấy bên trái hội trường có một người cha luôn tay quạt cho con trai ngồi trên xe lăn. Đó là bác Nghiêm Văn Thắng, phố Thái Thịnh 2, quận Đống Đa (Hà Nội) có con trai là Nghiêm Việt Tiến sinh năm 1988, là nạn nhân da cam/điôxin. Bác Thắng cho biết: “Hàng ngày, nhìn cảnh con trai bị dị tật, tôi thấy mình rất khổ tâm. Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm rồi nhưng những di chứng của chiến tranh vẫn còn đó trong lòng những bậc cha, mẹ có con là nạn nhân da cam/điôxin”.

Nhân dịp này, toà soạn báo Tin Tức đã ủng hộ Quỹ "Vì nỗi đau da cam thuộc TTXVN" 8 triệu đồng. Đây là một phần lớn trong số tiền nhuận bút của các tập sách "Hồ sơ tư liệu" (tổng hợp một số bài viết trong chuyên mục cùng tên của báo Tin Tức), do các tác giả là cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Tin Tức gửi tặng sau mỗi lần xuất bản hoặc tái bản các tập sách này.

Đồng hành cùng Quỹ Vì nỗi đau da cam trong suốt thời gian qua, ông Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Viettinbank) cho biết: “Hậu quả của chiến tranh, trong đó có hậu quả của chất độc da cam rất nặng nề đối với đất nước ta. Viettinbank là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã ý thức được trách nhiệm của mình cùng với cộng đồng, cùng với Đảng và Nhà nước ta chung tay giúp đỡ, xoa dịu, chia sẻ với những nạn nhân chất độc da cam để họ có điều kiện tốt hơn. Chúng tôi đánh giá cao chương trình “Vì nỗi đau da cam” do TTXVN khởi xướng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chung tay, chung sức với xã hội để những nạn nhân chất độc da cam vượt qua được những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Tại chương trình giao lưu “Vì nỗi đau da cam”, Ban tổ chức đã nhận được trên 650 triệu đồng do các tổ chức, cá nhân quyên góp và ủng hộ Quỹ Vì nỗi đau da cam thuộc Thông tấn xã Việt Nam. Tập thể cán bộ, công nhân viên chức TTXVN ủng hộ 100 triệu đồng, Quỹ Thiện Tâm của Công ty cổ phần Vincom ủng hộ 200 triệu đồng. Nhiều đơn vị và cá nhân thuộc TTXVN đã ủng hộ thêm hàng chục triệu đồng ngay tại buổi giao lưu này. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ủng hộ quỹ 5 triệu đồng.

Hoàng Hoa- Viết Tôn-Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN