Bà Đoàn Thị Nho (ngoài cùng, bên trái) thăm các cháu ở lớp trông giữ trẻ. |
Năm 1981, về làm dâu ở làng nghề cơ khí nổi tiếng Xuân Tiến, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, với sự nhạy bén của mình, bà Đoàn Thị Nho đã cùng chồng vào các tỉnh miền Nam để tìm hiểu kĩ thuật sản xuất máy tuốt lúa.
Từ những kinh nghiệm sản xuất máy học hỏi được, cùng với sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn vốn, bà Đoàn Thị Nho đã thành lập cơ sở chuyên sản xuất máy tuốt lúa Nhật Tân.
Nhờ sự kiên trì, cùng với uy tín, chất lượng từng bước được khẳng định, sản phẩm máy tuốt lúa mang thương hiệu Nhật Tân của gia đình bà Nho dần chiếm được lòng tin của khách hàng. Bà còn đầu tư sản xuất máy trộn bê tông cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện với hai nhà xưởng, diện tích 5.000 m2, mỗi năm gia đình bà Nho xuất xưởng trên 5.000 máy móc các loại. Giá mỗi chiếc máy dao động từ 4 - 15 triệu đồng, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 60 lao động, mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong quá trình sinh hoạt hội phụ nữ, tham gia các hoạt động nhân ái tại địa phương, bà Nho được biết trên địa bàn huyện Xuân Trường và nhiều địa phương khác, lực lượng lao động dư thừa khá lớn, nhất là lao động nữ.
Đồng thời, bà nhận thấy ngành may có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, lại tận dụng được nguồn lao động dồi dào. Vì vậy, năm 2005, bà Nho đã thành lập Công ty Cổ phần may Trường Tiến, chuyên gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan.
Để giúp người lao động nắm bắt nhanh, đáp ứng các yêu cầu khắt khe khi làm hàng xuất khẩu, bà Nho đã tổ chức đào tạo nghề và cho người lao động làm quen với dây chuyền sản xuất công nghiệp trong thời gian 3 tháng.
Sau khi học xong, bà nhận toàn bộ học viên của các lớp may vào làm việc. Hiện xưởng may của gia đình bà có trên 300 công nhân, chủ yếu là lao động nữ, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Trong quá trình tổ chức sản xuất, bà Nho nhận thấy khi lập gia đình, nhiều nữ công nhân phải xin nghỉ việc ở nhà chăm con vì không có người trông coi. Thấu hiểu được khó khăn đó, năm 2011 bà Nho đã cải tạo lại khu nhà kho rộng 500 m2 không sử dụng của công ty, mua sắm đồ dùng học tập, đồ chơi để tạo thành một phòng học và một phòng ngủ có lắp điều hòa cho các cháu.
Bà Nho chia sẻ, đối với những cháu bé từ 1 - 3 tuổi, chỉ cần 2 người có thể trông được nhiều bé. Việc này giúp những lao động có con nhỏ vẫn có thể đi làm và yên tâm làm việc, có thu nhập ổn định cũng là tạo sự ổn định cho sản xuất của đơn vị.
Đây chính là những lý do bà quyết định mở lớp giữ trẻ ngay tại công ty. Nằm trong khuôn viên của công ty, cách các xưởng sản xuất không xa, mô hình “Mẹ vào xưởng máy, con vào lớp học” này đã giúp các bà mẹ vừa đi làm vừa có thể tranh thủ thăm con, chăm con vào giờ nghỉ trưa và đón con về khi tan ca.
Hòa lẫn trong tiếng máy may, máy hàn, máy tiện và không khí làm việc hối hả của các xưởng sản xuất là những tiếng cười đùa, ca hát vui nhộn phát ra từ lớp giữ trẻ. Lớp có từ 25 - 30 cháu, là con của những công nhân đang làm việc tại các cơ sở sản xuất của gia đình bà Nho.
Bước vào khu trông giữ trẻ của Công ty may Trường Tiến mà cứ ngỡ như đang ở một lớp mẫu giáo tại trường mầm non. Phòng học có đầy đủ bàn ghế đúng quy chuẩn, sách, vở, ti vi và khu vui chơi. Trong phòng ngủ, gối, chăn được xếp gọn gàng, sạch sẽ.
Cô Đào Thị Lệ Thủy, một trong hai người phụ trách lớp học cho biết: Mỗi tháng phụ huynh chỉ phải đóng 200.000 đồng/cháu. Những chi phí phát sinh và tiền lương cho giáo viên đều được bà Nho hỗ trợ.
Từ khi có lớp giữ trẻ, tình trạng nữ công nhân bỏ việc giữa chừng sau khi sinh cũng không còn, giúp cho hoạt động sản xuất của công ty ổn định.
Chị Phạm Thị Thúy ở xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, là công nhân Công ty may Trường Tiến, con mới được hơn 1 tuổi, còn quá bé nên trường mầm non chưa nhận trông, trong khi hai vợ chồng đều đi làm ca nên nếu không có lớp giữ trẻ này thì chị sẽ phải nghỉ việc ở nhà với con.
Chị Thúy vui mừng nói: “Lớp giữ trẻ ngay trong công ty, số tiền đóng góp không đáng kể. Hàng ngày hai mẹ con có thể cùng nhau đi học, đi làm, có các cô dạy và chăm sóc cháu chu đáo nên tôi có thể yên tâm làm việc”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Xuân Trường, Lê Thị Tố Nga đánh giá: Đối với nhiều công nhân, bà Nho như một người thân trong gia đình. Bà nắm rõ hoàn cảnh của từng người, biết họ gặp khó khăn là luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Những năm qua, không chỉ phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, bà Đoàn Thị Nho còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, tạo điều kiện cho vay không tính lãi suất giúp hội viên phụ nữ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Mô hình giữ trẻ cho công nhân của bà Nho đã được các cấp chính quyền cho phép xây dựng. Đây cũng là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Hiện nay, tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa do thiếu việc làm tại chỗ đang đặt ra những vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Do đó, mô hình đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cũng như mở lớp trông giữ trẻ cho công nhân của bà Đoàn Thị Nho đang được các cơ quan chức năng chú ý và có thể xem xét tiến hành nhân rộng trên địa bàn.