Tháo gỡ khó cho doanh nghiệp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: TTXVN |
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định: “Tiền lương tính đóng BHXH vẫn là khoản mức lương và phụ cấp lương như năm 2016, 2017 và từ năm 2018 sẽ có thêm các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, những khoản này sẽ phân loại thành 2 nhóm: Khoản cố định và các khoản bổ sung mà doanh nghiệp trả dựa trên đánh giá kết quả công việc. Khoản làm căn cứ đóng BHXH là khoản cố định, những khoản bổ sung dựa trên đánh giá kết quả công việc sẽ không phải đóng BHXH".
Do đó, việc tác động đến chi phí của doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào việc thiết kế, xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp và quy chế trả lương, thưởng của doanh nghiệp. “Nếu như thang bảng lương của doanh nghiệp mà cấu phần mức lương chiếm đa số thì việc điều chỉnh căn cứ đóng BHXH từ năm 2018 sẽ không tác động lớn. Còn nếu doanh nghiệp đang xây dựng thang bảng lương mà khoản lương thấp, trong khi các khoản phụ cấp và bổ sung khác cao thì việc điều chỉnh căn cứ đóng BHXH từ năm 2018 sẽ tác động lớn tới chi phí của doanh nghiệp”, ông Trần Hải Nam cho biết.
Qua theo dõi, quản lý của Bộ LĐTBXH, có những doanh nghiệp ngay từ đầu đã thực hiện chi trả tiền lương cho người lao động một cách đầy đủ theo cấu phần mức lương chiếm tỷ trọng đa số trong tiền lương, do vậy, việc điều chỉnh chính sách BHXH không tác động nhiều đến chi phí của doanh nghiệp.
Ông Trần Hải Nam cho biết: Tiền lương đã được quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2012, theo đó, tiền lương sẽ bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Đi kèm để hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động có các Nghị định và cụ thể hóa quy định về tiền lương có các Thông tư 23, 47 và 59 quy định cụ thể phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, tại Điều 30 của Thông tư số 59/2015 quy định rõ có 14 khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ tháng 1/2018, bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của bộ Luật lao động 2012; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Tiền hỗ trợ xăng xe; Tiền hỗ trợ điện thoại; Tiền hỗ trợ đi lại; Tiền hỗ trợ giữ trẻ; Tiền hỗ trợ nhà ở; Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ; Tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết; Tiền hộ trợ lao động có người thân kết hôn; Tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động; Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Trước thông tin doanh nghiệp sẽ lách luật, giảm mức đóng BHXH khi chuyển các khoản phụ cấp sang khoản bổ sung khác, Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam, các cấp công đoàn sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát. “Nếu có nghi vấn về việc lách luật dẫn tới ảnh hưởng quyền lợi của người lao động trong tiền lương đóng, trước tiên là từ phản ánh các cấp công đoàn, người lao động, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xem xét để đảm bảo, tối ưu hóa quyền lợi của người lao động”.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Qua giám sát về tình hình đóng BHXH trong 2 năm qua cho thấy không ít doanh nghiệp có 2 hệ thống bảng lương, trong đó một bảng nộp cho thuế và một bảng nộp cho BHXH. Do đó, việc liên thông dữ liệu giữa hai ngành thuế và BHXH sẽ hạn chế tối đa doanh nghiệp lách luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như chính sách đã ban hành.