Còn gần 10% hộ dân chưa có nước sạch
Nhà chỉ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh hơn 15 km và là quận nội thành, nhưng nhiều năm qua gia đình chị Nguyễn Hải Anh ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan phục vụ nhu cầu sinh hoạt bởi hệ thống nước máy tại đây chảy rất yếu và thường bị ngắt.
Tương tự, gia đình ông Trần Văn Tư ở xã An Phú, huyện Củ Chi cũng đang phải “chung sống” với nguồn nước chưa sạch hàng chục năm trời. Do địa bàn gần ao, hồ, sông rạch, hầu hết nguồn nước giếng khoan tại đây đều nhiễm phèn, pha lẫn nhiều tạp chất ảnh hưởng đến sức khỏe. “Riết rồi cũng quen thôi. Các hộ dư dả hơn thì mua nước bình về sử dụng. Nước giếng khoan chỉ dùng giặt giũ, sinh hoạt thường nhật. Còn hộ thuộc diện khó khăn như gia đình chú thì phải chấp nhận thôi”, ông Tư cho hay.
Sử dụng nước sạch là mong muốn của rất nhiều người dân TP Hồ Chí Minh. |
Theo khảo sát của ngành chức năng, hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 138.000 hộ dân sử dụng nước giếng khoan và gần 10% số hộ chưa có nước sạch, trong đó chủ yếu là vùng ven, ngoại thành. Kết quả kiểm tra mới đây của Sở Y tế tại 1.400 vị trí đại diện, tập trung ở 7 quận - huyện bao gồm: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức và quận 12 cho thấy tỷ lệ nước sạch đạt yêu cầu chỉ khoảng hơn 4%. Hầu hết các mẫu không đạt là do độ pH thấp và hàm lượng sắt cao. Nguyên nhân do người dân không dùng thiết bị xử lý hoặc có xử lý nhưng chưa đúng kỹ thuật, không đủ khả năng để xử lý nước, việc hướng dẫn cách xử lý nước, sử dụng nước an toàn đến từng hộ dân trên địa bàn vẫn chưa đạt hiệu quả…
“Để có thể đưa nước sạch đến bà con, thành phố phải đầu tư lắp đặt hơn 3.000 km mạng ống cấp nước, cũng như đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng lưới cấp nước tại những xã ngoại thành; lắp đặt bồn chứa nước và máy lọc nước cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên hiện công tác đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước gặp không ít khó khăn và vẫn chưa có bước đột phá, chất lượng nước nhiều nơi chưa đạt yêu cầu”, TS.Ngô Hoàng Văn - Hội Nước Môi trường TP Hồ Chí Minh cho hay.
Phấn đấu 100% hộ dân có nước sạch
Năm 2015 TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nước Thủ Đức 3, Nhà máy nước Tân Hiệp 2, Nhà máy nước Kênh Đông 2… Ngoài ra, thành phố đã nâng cấp các nhà máy nước thuộc trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần nâng công suất cấp nước của thành phố từ 1,7 triệu m3 nước/ngày đêm lên 2,57 triệu m3 nước /một ngày đêm. “UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư thực hiện xã hội hóa cung cấp nước sạch; cổ phần hóa theo hướng Nhà nước đảm nhận những khâu khó khăn quan trọng mà người dân không làm được. Sở sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức đấu thầu công khai chọn các đơn vị tham gia cung cấp nước sạch đảm bảo yêu cầu về chất lượng, xây dựng kế hoạch phát triển đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp nước của thành phố…”, ông Văn nói thêm.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, Sawaco sẽ cùng các ngành chức năng xây dựng thêm ba nhà máy nước Tân Hiệp 2, Kênh Đông 2, Thủ Đức 4, nâng cấp 16 công trình trạm cấp nước khác, góp phần nâng tổng công suất cấp nước trên địa bàn thành phố là 2.120.000 m3/ngày, có thể cấp 167 lít nước/người/ngày |
Tại huyện Củ Chi, địa bàn trọng điểm về thiếu nước sạch của thành phố, UBND huyện đã dành kinh phí 4.336 tỷ đồng thực hiện dự án cấp nước sạch trên địa bàn. Theo đó, năm 2015 phân bổ ngay khoảng 2.084 tỷ đồng; số kinh phí còn lại sẽ dành cho cho 5 năm tiếp theo. Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2015 các đường ống dẫn nước tuyến cấp 1 và cấp 2 đã đạt 80% khối lượng lắp đặt, tương ứng khoảng 50 km; tuyến ống cấp 3 dẫn nước đến hộ gia đình đã lắp đặt được 460 km tại các xã… Để người dân có nước sạch sử dụng, hiện huyện đã có chính sách miễn phí cho người dân sử dụng nước tại những điểm bồn nước tập trung và chỉ sau khi hoàn chỉnh hệ thống mạng cấp nước mới tính đến việc lắp đặt đồng hồ thu phí.
Theo số liệu của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tính đến cuối năm 2015, số hộ gia đình được cấp nước sạch là 1.647.662 hộ, đạt gần 88% hộ được sử dụng nước sạch, tăng 5,% so với năm 2014; trong đó khu vực nội thành đạt khoảng 98% và ngoại thành đạt 49% hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Từ kinh phí của ngân sách thành phố, doanh nghiệp đã đầu tư cho các dự án phát triển mạng cấp 1 và được hỗ trợ 100% lãi suất của các dự án phát triển mạng cấp 2 theo chương trình kích cầu đầu tư của thành phố cho những dự án sắp tới.
“Đảm bảo mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch điều tiết sản lượng từ các nhà máy nước, kế hoạch điều áp trên mạng lưới nhằm tiếp nhận nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với hiệu quả cao nhất. Ngoài ra Sawaco cũng triển khai những giải pháp giúp tăng sản lượng tiêu thụ nước sạch, vận động người dân giảm thiểu sử dụng nước ngầm…”, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết.